THỐNG NHẤT GIÁ VÉ THAM QUAN HOÀNG CUNG HUẾ:

Từ 1/9/2017, giá vé tham quan Hoàng cung Huế (gồm Đại Nội và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) áp dụng thống nhất cho khách quốc tế và khách Việt Nam với mức: 150.000 đồng/người/lượt, hết thời gian ưu tiên giảm 20% cho khách Việt Nam. Quy định này được điều chỉnh đúng với lộ trình tăng giá vé tham quan di tích Huế giai đoạn 2015-2020 được HĐND tỉnh thông qua năm 2014.

 

Khách quốc tế tham quan Hiển Lâm Các - Thế Miếu

Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh có Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND, ngày 20 tháng 11 năm 2014 về việc Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Theo đó, lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020, giá vé tham quan Hoàng Cung Huế (Đại Nội – Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) sẽ được điều chỉnh đến mức 210.000 đồng/người lớn và 60.000 đồng/trẻ em; các khu di tích lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định là 150.000 đồng/người lớn và 40.000 đồng/trẻ em. Đối với những điểm di tích lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao, Kỳ đài Huế… mức giá: 70.000 đồng/người lớn/lượt và 20.000 đồng/trẻ em/lượt. Thời điểm áp dụng từ ngày 1/4/2015. Để du khách và doanh nghiệp du lịch dần thích nghi, giá vé điều chỉnh ở thời điểm năm 2015 chỉ tăng ở mức vừa phải. Những năm tiếp theo, tiếp tục điều chỉnh giá tuỳ vào tình hình trượt giá thực tế.

Hoàng Cung Huế là quần thể di sản thu hút khoảng 1 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiếm hơn 50% tổng lượng khách hàng năm đến tham quan quần thể di tích Cố đô Huế. Trong 2 năm 2016 và 2017, Hoàng cung Huế liên tiếp nằm trong nhóm những điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam, do Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức bầu chọn và vinh danh. Nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, tăng cường nguồn thu đầu tư ngân sách địa phương từ nguồn thu bán vé tham quan phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, trùng tu và tôn tạo quần thể di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2020 cơ cấu nguồn thu từ bán vé tham quan di tích Huế đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Sau thời gian hơn 2 năm ưu tiên giảm giá 20% cho khách Việt Nam, từ 1/9/2017, du khách trong và ngoài nước khi vào thăm Hoàng cung Huế đều áp dụng mức giá vé 150.000đ/người/lượt. Riêng du khách là người Thừa Thiên Huế, sẽ được giảm 50% giá vé khi vào thăm tất cả các điểm tham quan thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, kể cả Hoàng cung Huế.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc thực hiện chính sách đồng giá có thể gây áp lực đối với khách du lịch người Việt Nam, nhưng trong các phương án điều chỉnh giá vé, có nhiều chính sách miễn giảm giá vé đối với nhiều đối tượng khác nhau. Cụ thể, miễn phí tham quan cho mọi đối tượng khách trong nước vào 5 ngày lễ, tết quan trọng (từ mồng 1 đến mồng 3 tết nguyên đán, ngày 26/3, 2/9 hằng năm), người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em 6 tuổi trở xuống, học sinh trong tỉnh; giảm 50% phí tham quan đối với người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật nặng, người cao tuổi, các đối tượng chính sách tổ chức tham quan tập thể và sinh viên trên địa bàn tỉnh do nhà trường tổ chức tham quan ngoại khóa…

Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội tại Huế cho biết, doanh nghiệp đã phải bù lỗ cho các đơn hàng đã ký trước thời điểm có thông báo điều chỉnh chính sách áp dụng đồng giá vé thăm Hoàng cung. Đối với chính sách điều chỉnh mức đồng giá giữa du khách nước ngoài và Việt Nam, doanh nghiệp không phản đối. Chỉ là, nếu có thể, các đơn vị quản lý nên mở rộng các đối tượng ưu tiên hơn. “Vì ít ra Hoàng cung Huế cũng là tài sản, là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam”, bà Dương Thị Công Lý nói.

Cùng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Công ty Cổ phần Huế Của Ta, cũng ủng hộ chính sách đồng giá vé tham quan Hoàng cung Huế. Ông nói rõ: “Việc thực hiện đồng giá là một chính sách tốt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, nhiều điểm tham quan trong nước đã áp dụng hàng chục năm nay. Tôi nghĩ, điều này cũng tác động rất tích cực đến tâm lý du khách là người nước ngoài, tạo cho họ thân thiện khi được đối xử bình đẳng như người dân địa phương. Còn việc ưu đãi cho người Việt Nam bằng cách này cách khác, thì đó là sự linh động của các cơ quan quản lý. Hoàn toàn không nên vì ưu đãi mà có sự phân loại về giá giữa khách trong và ngoài nước.