THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC TẠI CÔNG TY CP DU LỊCH HƯƠNG GIANG: Tìm nhà đầu tư chiến lược, không chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang đúng quy định, Nhà nước chỉ thoái vốn chứ không bán đất mà cho thuê hàng năm.

 Khách sạn Hương Giang. Ảnh: Tư liệu từ huongianghotel.com.vn

Thoái vốn “trọn lô” nhằm chọn “nhà đầu tư chiến lược”

Công ty CP Du lịch Hương Giang sở hữu khối khách sạn được xây dựng bên bờ sông Hương. Sau cổ phần hóa từ tháng 1/2008, vốn Nhà nước trong đơn vị này chiếm tỷ lệ chi phối với 62,68% trên tổng vốn điều lệ. Tuy nhiên, liên tục trong các năm 2014, 2015, 2016 doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, mỗi năm vài tỷ đồng. Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành chức năng, tiến hành quy trình, thủ tục thoái vốn theo các quy định của Nhà nước.

Để thực hiện công việc này, đòi hỏi tỉnh cần tìm được nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, từ trước đó hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 xác định phải có chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực, để triển khai các dự án lớn. Vì vậy, UBND tỉnh đã quyết định chọn Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco) là nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Du lịch Hương Giang khi cổ phần hóa, là đối tác chiến lược của UBND tỉnh, khi doanh nghiệp này đã khẳng định được vị thế ở trong nước và khu vực về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khách sạn và các dịch vụ du lịch đẳng cấp. Theo đó, tháng 10/2015, UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhà đầu tư chiến lược với Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

Khách sạn Saigon Morin nằm ngay vị trí đắc địa. Ảnh: Phan Thành

Theo đánh giá của UBND tỉnh, Tập đoàn Bitexco là một trong những nhà đầu tư tham gia nhiều dự án trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần thu ngân sách đáng kể cho tỉnh. Có thể kể đến Thủy điện Bình Điền đưa vào sử dụng cuối năm 2008 với tổng mức đầu tư 904 tỷ đồng; Thủy điện Tả trạch đưa vào sử dụng năm 2013 với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng; hiện đang tiếp tục triển khai khu đô thị Manor Crown tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Trên lĩnh vực du lịch, khi hợp tác với Công ty CP Du lịch Hương Giang Tập đoàn Bitexco nghiên cứu triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch Huế đạt tiêu chuẩn quốc tế theo đúng chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Việc triển khai các dự án này sẽ góp phần tích cực vào phát triển du lịch Huế, thu hút phân khúc khách cao cấp và góp phần quảng bá du lịch Huế ra thị trường quốc tế.

Ngày 30/3/2016, UBND tỉnh ra Quyết định số 624 về việc phê duyệt nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn “trọn lô” số cổ phần nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty CP Hương Giang, với số tiền chuyển nhượng hơn 158 tỷ đồng. Có nghĩa là thương vụ này được thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư, thay vì bán đấu giá, và đây cũng là một trong những vấn đề lớn khiến dư luận hoài nghi. Điều này phù hợp với quy định được thực hiện tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần có quy định tại điểm C: “Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản thì thực hiện bán cổ phần theo thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.”

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tỉnh chọn Bitexco làm nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang. Trên cơ sở đó, Chính phủ có văn bản thống nhất cho tỉnh được chọn đối tác- nhà đầu tư phù hợp với định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh đàm phán để thoái vốn “trọn lô” số cổ phần Nhà nước hiện có tại Công ty CP Du lịch Hương Giang theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn Cao cho rằng, nếu tiến hành đấu giá thì có thể sẽ bị xé lẻ số cổ phần manh mún và khó tìm được nhà đầu tư chiến lược đáp ứng yêu cầu xây dựng đầu tư chuỗi khách sạn cao cấp trực thuộc Công ty CP Du lịch Hương Giang trở thành dòng sản phẩm du lịch đẳng cấp.

Không bán đất mà cho thuê từng năm

Việc thực hiện thoái vốn đã được tiến hành theo quy trình, trong đó khâu thẩm định, định giá tài sản là hết sức quan trọng, để đảm bảo tài sản của Nhà nước không bị thất thoát. Tỉnh đã 2 lần chọn các đơn vị tư vấn, gồm Công ty CP chứng khoán Bản Việt và Công ty CP Thông tin và thẩm định giá miền Nam. Các đơn vị trên đều nằm trong danh sách được Bộ Tài chính cho phép hoạt động trong lĩnh vực này. Kết quả định giá đưa ra vào khoảng cuối năm 2015 của Công ty Bản Việt là 11.600 đồng/cổ phiếu và Công ty miền Nam là 12.066 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, để khách quan hơn trong vấn đề định giá, UBND tỉnh đã thành lập một hội đồng thẩm định để thẩm định lại giá trị. Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm tra kết quả của đơn vị tư vấn giá và đề xuất UBND tỉnh phê duyệt giá chuyển nhượng là 12.600 đồng/1 cổ phiếu và được UBND tỉnh phê duyệt. Mức giá này cao hơn nhiều so với 2 đơn vị thẩm định trước đó.

Đối với việc thuê đất, sau cổ phần hóa năm 2008 đến nay, toàn bộ khu đất mà Công ty CP Du lịch Hương Giang đang tọa lạc được hợp đồng thuê của Nhà nước, trả tiền theo từng năm, không được trả tiền cả 50 năm và chỉ dùng vào mục đích làm du lịch cao cấp, không được đầu tư bất động sản khác như cam kết với tỉnh và phải thực hiện đúng quy hoạch được duyệt. Đơn giá thuê đất đã được tính bao gồm lợi thế vị trí khu đất theo quy định.

Như vậy, theo quy định hiện hành, lợi thế đất đai đã được tính đúng theo quy định khi thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang và không được tính để định giá tài sản doanh nghiệp. Hay nói cách khác, đất đó không được chuyển nhượng khi thoái vốn Nhà nước. Mặt khác, so sánh với một số thương vụ do tư nhân chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty Du lịch Hương Giang ở cùng thời điểm mà tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thì giá chỉ dao động trong khoảng 5.000 đồng/1 cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với giá mà UBND tỉnh bán cho Bitexco.

Bitexco triển khai dự án như cam kết

Kể từ khi mua phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang từ năm 2016, Tập đoàn Bitexco đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư 6 dự án, gồm: Khu resort NAMA tại 85 Nguyễn Chí Diễu; Dự án mở rộng của Khách sạn Kinh Thành (La Residence); Dự án nâng cấp cải tạo Khách sạn Hương Giang Resort & Spa; Dự án nâng cấp Khách sạn Morin; Dự án nâng cấp Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival - 11 Lê Lợi; Dự án đầu tư mới Khu nước khoáng nóng Mỹ An. Từ đó đến nay, nhà đầu tư đã triển khai thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng cam kết thỏa thuận.

Khách sạn La Residence (số 5 Lê Lợi) là một trong những khách sạn cao cấp (5 sao) đầu tiên ở Huế. Ảnh: Phan Thành

Đối với dự án ở 85 Nguyễn Chí Diểu (quy mô đầu tư 205 tỷ đồng, xây dựng 20 phòng khách sạn cao cấp, cùng với hệ thống nhà hàng, spa, hồ bơi và các dịch vụ tiện ích khác), đã hoàn thành các thủ tục nhưng đang vướng giải phóng mặt bằng, sẽ xây dựng trong 10 tháng sau khi giải phóng mặt bằng. Dự án mở rộng của Khách sạn Kinh Thành hiện đang triển khai với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng với diện tích 8.595m2, bao gồm 1 villa khép kín, 1 bể bơi và quầy bar; hệ thống nhà phục vụ và nhân viên. Nâng cấp và thay mới toàn bộ trang thiết bị 122 phòng ngủ; phòng gym, spa và hệ thống ánh sáng sân vườn.

Đối với Dự án nâng cấp cải tạo Khách sạn Hương Giang Resort & Spa, theo thống nhất trước đây với UBND tỉnh, Tập đoàn Bitexco sẽ triển khai nâng cấp Khách sạn Morin lên 5 sao xong mới triển khai nâng cấp Khách sạn Hương Giang để đảm bảo điều kiện lưu trú cho du khách. Nay do Khách sạn Morin chưa triển khai được (vướng tranh chấp với đơn vị liên danh) nên UBND tỉnh đã yêu cầu triển khai nâng cấp Khách sạn Hương Giang trước. Tổng mức đầu tư dự án từ 17-20 triệu USD.

Dự án nâng cấp Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival - 11 Lê Lợi, UBND tỉnh đã thống nhất phương án quy hoạch và thiết kế cơ sở ban đầu do Công ty tư vấn Scale 11 (Thái Lan) thực hiện theo hướng cho giữ lại công trình chính để cải tạo nâng cấp. Các công trình khác sẽ được giải tỏa thông thoáng từ đường Lê Lợi ra sông Hương. Do đường đi bộ dọc sông Hương đang triển khai và có điều chỉnh thu hồi đất nên dự kiến công trình sẽ khởi công sau khi ổn định việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng cho công trình đường đi bộ.

 Dự án đầu tư mới Khu nước khoáng nóng Mỹ An, đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 2,2 ha, đã bồi thường cho các hộ dân để mở rộng thêm 1,4 ha ở phía sau khu đất dự án. Công ty đang hoàn thành thủ tục và chuẩn bị triển khai dự án, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2019.

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh (30/5/2018), đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết, doanh nghiệp sẽ triển khai đầu tư các dự án như cam kết nhằm góp phần phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch chất lượng cao đến Huế, đưa ngành du lịch Huế phát triển lên một tầm cao mới. Đồng thời, giới thiệu một số đối tác lớn đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Huế.

Ông Nguyễn Văn Cao khẳng định, việc thoái vốn Nhà nước ở Công ty CP du lịch Hương Giang đã được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của nhà nước và được chuyển nhượng với giá cao nhất tại thời điểm đó. Đất đai của công ty hiện vẫn thuộc sở hữu Nhà nước. Tỉnh sẽ phối hợp với doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn, tăng cường vai trò giám sát và đốc thúc Bitexco triển khai các dự án như cam kết.

Theo Thừa Thiên Huế