Sông An Cựu cạn

Dòng sông An Cựu có chức năng rất quan trọng là tạo cảnh quan, điều hòa không khí chứ không chỉ có chức năng thoát lũ. Mực nước như sông An Cựu những ngày này là một vấn đề cần xem xét.

 Nhiều người dân sống dọc theo hai bên dòng sông An Cựu cho biết, không hiểu lý do gì mà những ngày gần đây mực nước cạn thấp. Ảnh: P. Thành

Năm ngoái, thời điểm tháng 7, tôi có viết một bài: “Tất cả các dòng sông đều chảy”. Cảm hứng là từ quan sát sông An Cựu. Tôi đã ví nó chẳng khác nào một dải lụa xanh mềm uốn lượn vắt ngang thành phố. Sạch, xanh và đẹp. Nước đầy ăm ắp, trong veo. Cây hai bên bờ đổ bóng xuống mặt nước và rất nhiều loại cây ra hoa trong mùa hè. Bờ sông đã kè đá đã được lấp bằng những mảng xanh của dây leo bám vào. Nói tóm lại là một dòng sông đẹp và được tôn tạo hết sức kỳ công.

Năm nay sực nhớ lại bài viết cũ là vì khi đi ngang qua sông An Cựu thấy mực nước thấp hẳn. Có thể nói trong mấy chục năm, từ khi tôi biết dòng sông An Cựu đến bây giờ, từ cái thời mà ở khu vực cầu Nam Giao chạy dài xuống chợ Bến Ngự là một vạn đò đông đúc… sông An Cựu chưa bao giờ có mực nước như bây giờ.

Sông An Cựu nhận nước từ sông Hương ở khu vực Dã Viên. Không hiểu vì lý do gì mực nước sông An Cựu xuống thấp? Trên sông An Cựu đoạn trên cầu Ga có một cống đóng mở để chặn dòng gọi là cống Phủ Cam. Trước đây, cống Phủ Cam có chức năng chặn nước mặn xâm nhập sâu trên sông Hương vào mùa khô. Nay việc chặn mặn xâm nhập đã có đập Thảo Long đảm nhiệm. Nghĩa là cống Phủ Cam là một “công trình thừa”.

Dòng sông An Cựu có chức năng rất quan trọng là tạo cảnh quan, điều hòa không khí chứ không chỉ có chức năng thoát lũ. Mực nước như sông An Cựu những ngày này là một vấn đề cần xem xét.

Tôi cũng thử đưa ra một giả thiết, hay là mực nước sông Hương xuống thấp hơn so với những năm trước nên sông An Cựu khó nhận nước? Nếu vì tác động bởi lý do như vậy thì có thể nói là sông An Cựu đã bị nhiều tác động. Sông An Cựu cần nước trong mùa hè. Mà mùa hè thì thường mực nước sông Hương xuống thấp. Liệu nó có bị ảnh hưởng lâu dài?

Tôi đã liên hệ với một lãnh đạo của cơ quan chức năng về thủy lợi, vị này giải thích vì chuẩn bị đón mùa lũ nên các hồ phải hạ cao trình nước làm cho mực nước sông Hương xuống thấp. Tôi hỏi, nghĩa là mực nước sông Hương thấp hơn sông An Cựu nên An Cựu không nhận nước được?

Vị này giải thích thêm: Giải pháp là sẽ đóng đập Thảo Long thì mực nước sông Hương sẽ dâng cao trong vài ngày tới.

Câu chuyện nó là vậy. Tôi đã đọc một tài liệu nói về sông Mê Kông. Bây giờ nhiều đập thủy điện quá. Hạ nguồn sông Mê Kông chỉ đón được 30% lượng phù sa cho nên nó gây nên sạt lở. Mê Kông là dòng sông đa quốc gia, muốn xử lý phải đàm phán đủ điều.

Những dòng sông “ nội địa” do mình tự xử lý, câu chuyện có lẽ dễ hơn nhiều.

Theo Thừa Thiên Huế online