Sáng đèn và sống động - Huế sẽ hút khách

Để giữ chân khách ở lại lâu hơn và tăng mức chi tiêu, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, Huế phải có thêm những sản phẩm đột phá vào ban đêm và đó có thể là đại cảnh về Huế xưa ở khu vực Kỳ Đài – Ngọ Môn.

 Một góc TP. Huế sáng đèn vào ban đêm

Chưa đủ sức hút

Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, không thể phủ nhận những sản phẩm, dịch vụ vào ban đêm ở Huế đã đa dạng hơn, phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách khi đến Huế, nhất là hai năm trở lại đây, liên tiếp những sản phẩm với mục tiêu giúp Huế sáng và sống động hơn được đưa vào khai thác, như phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu – Chu Văn An, chiếu sáng Kỳ Đài và tái hiện bắn súng thần công, gần đây là cầu đi bộ trên sông Hương nối dài với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu tạo ra điểm vui chơi, giữ chân khách lại với Huế.

Dù vậy, với người trong cuộc là những doanh nghiệp khai thác du lịch vẫn còn nhiều trăn trở về dịch vụ ban đêm ở Huế. Tại Hội nghị tổng kết ngành du lịch Huế 2018, Vietravel là doanh nghiệp duy nhất chia sẻ, góp ý  kiến để phát triển du lịch cho Huế. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel trăn trở, Huế có tốc độ tăng trưởng về lượng khách khá ổn định, nhưng tốc độ về lưu trú lại thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng khách, điều này chứng tỏ thời gian lưu trú ở Huế của khách đang giảm; thứ hai là trong các điểm đến mà khách nội địa lựa chọn khi đến miền Trung thì Huế ít được chọn hơn so với trước.

Trong khi đó, như phân tích của Tổng Giám đốc Vietravel thì trong du lịch, nguồn thu vào ban đêm chiếm đến 70% kinh phí trong một ngày đêm của khách, còn thu vào ban ngày chỉ 30%. Vào ban đêm, không chỉ các doanh nghiệp du lịch thu được tiền từ khách mà chính người dân được hưởng lợi khi khách chi tiêu nhiều hơn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, sản phẩm du lịch vào ban đêm ở Huế vẫn rất ít, chuỗi ba sản phẩm quan trọng cho mỗi điểm đến là nghỉ dưỡng, văn hóa và giải trí thì Huế chỉ có văn hóa, nhưng vào ban đêm ít có dịch vụ. Hay khách quốc tế, trong hành trình tour, các lữ hành cũng chọn Huế ở một đêm. Khi khách chỉ ở 1 đêm, tính chất tour sẽ mang tính rất tạm bợ. Khách đến buổi trưa, sáng ngày mai lại phải đi nên sẽ không có thời gian nhiều để đi tham quan Huế; kéo theo các sản phẩm cũng ít được trau chuốt, doanh nghiệp cũng không mạnh dạn đầu tư hơn.  

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho rằng, đối với TP. Huế, vẫn là điểm đến quan trọng nhất, quyết định khách du lịch đến với Huế hay không. Bởi qua thực tế, du khách đến tham gia tour của công ty chỉ mang tính chất phụ, trước đó họ phải tham quan di sản trước.

 "Văn hiến Kinh kỳ" tại Festival Huế 2018 phần nào tái hiện lại văn hóa, lịch sử của Huế

Đại cảnh về Huế

Nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch - Nguyễn Văn Tuấn từng đánh giá, với Huế nói riêng và mỗi điểm đến nói chung, sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng nhất để thu hút và giữ chân du khách. Huế cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm mà du khách đang có nhu cầu. Văn hóa, di sản Huế cần mới hơn và thêm những nhóm sản phẩm về giải trí, mua sắm...

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, Huế cần có những chương trình mang tính sân khấu hóa, có cái để khách xem vào ban đêm. “Theo tôi, ở khu vực từ Kỳ Đài vào đến Ngọ Môn, cần tái hiện lại một đại cảnh “Huế - Cố đô tinh hoa văn hóa Việt”. Chương trình này sẽ tái hiện lại lịch sử, văn hóa Huế bằng hình thức sân khấu hóa hoành tráng. Khi đó, mới tạo được sức hút, xứng đáng với chiều sâu văn hóa của Huế. Những chương trình như thế ở một số địa phương như Quảng Ninh và Quảng Nam đã xây dựng. Với vị thế của Huế, không thể không có những chương trình như thế.

Theo ông Kỳ, chương trình như thế cần có đầu tư lớn, bài bản. Nếu Huế có chủ trương, Vietravel sẽ mời các đạo diễn về nghiên cứu, tái hiện lại đại cảnh đó. Nếu làm được, kết hợp với những sản phẩm khác, Huế sẽ lung linh, rực rỡ vào ban đêm. Huế sẽ sáng đèn và sống động. Huế sẽ không còn 8 giờ tối đã đi ngủ, mà vào giờ đó mới bắt đầu các hoạt động phục vụ khách.

Nói thế cũng cần có sự tính toán và nghiên cứu kỹ, thực tế cho thấy, khai thác những sản phẩm trong “lòng” di sản thường bị vướng mắc, có những điểm tưởng chừng đất hoang, nhưng khi làm lại đụng quy hoạch, không phù hợp với cơ chế... Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch, cơ chế quản lý đối với những vùng đất, tài sản ở trong di sản Huế, để tạo điều kiện khi triển khai các dự án, sản phẩm du lịch hiệu quả hơn.

Theo Thừa Thiên Huế online