Phòng, chống cây xanh ngã đổ

Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) TP. Huế đang tiến hành chặt cây, tỉa cành và giằng chống cây xanh để hạn chế cây ngã đổ trong mùa mưa bão.

Chằng chống cây xanh trước mùa mưa bão

Hiện, Trung tâm CVCX Huế đang huy động lực lượng kiểm tra, hạ ngọn, cắt tỉa cành, nhánh cho cây xanh tán lớn có khả năng ngã đổ, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người đi đường trên một số tuyến đường trung tâm TP như Hà Nội, Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ,  Đoàn Thị Điểm, Đinh Công Tráng...

Phó Giám đốc Trung tâm CVCX Huế, ông Đặng Ngọc Quý thông tin, công việc được lên kế hoạch từ đầu năm và đây là việc làm thường xuyên trong năm, tuy nhiên trước mùa mưa bão năm nay, bắt đầu từ khoảng tháng 6 là thời gian cao điểm để triển khai công việc cắt, tỉa cành. Việc cắt tỉa cây xanh trên các tuyến phố sẽ được trung tâm cơ bản hoàn thành trước mùa mưa bão, sau đó tiếp tục theo dõi để kịp thời xử lý khi phát hiện những trường hợp phát sinh.

Nghiên cứu, học hỏi từ các đô thị, mới đây, Trung tâm CVCX Huế đã triển khai giằng chống cây xanh đô thị theo kỹ thuật mới tiếp thu từ Hàn Quốc trên trục đường Đống Đa, Lê Lợi, Bến Nghé... Đó là phương án sử dụng bốn cọc bạch đàn, dùng bổi giằng néo để định vị cây xanh. Cây xanh được neo chống bằng phương pháp này tỏ ra rất chắc chắn, khả năng chống chịu tốt hơn trước gió mạnh. Theo ông Quý, ngoại trừ những cây xanh nằm ngoài danh mục cây xanh đường phố, hoặc nguy cơ gãy đổ cao như bị sâu bệnh làm thối rễ, bộng gốc, không còn khả năng cứu chữa mới tính đến việc thay mới, còn lại phương án vẫn là tỉa cành, giằng chống, dùng các giải pháp sinh hóa để xử lý sâu bệnh, phòng ngừa cây ngã đổ. 

Với 26 người biên chế, được trang bị 5 xe cẩu, trong đó có 3 chiếc có thể đưa thùng cẩu lên dộ cao 20 mét, mỗi năm đội cây xanh của Trung tâm Công viên cây xanh Huế chỉ có thể chặt cây, tỉa cảnh khoảng 2.500- 3.000 cây xanh trên tổng số 64 nghìn cây xanh các loại, trong đó 30 nghìn cây xanh đường phố.

Trong mùa mưa bão năm nay, cùng với cắt tỉa cây xanh, chặt hạ những cây xanh hư, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của trung tâm là bảo vệ, bảo tồn cây xanh quý. Điều này càng cần thiết khi việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, nhất là hệ thống thoát nước tác động đến bộ rễ cây xanh đường phố làm giảm sức chống chịu của cây trong mùa mưa bão.

5 năm trở lại đây, địa bàn TP. Huế may mắn khi không ảnh hưởng trực tiếp bởi gió bão, tuy nhiên, với tình hình thời tiết phức tạp, dự báo sẽ xảy ra nhiều cơn bão trong năm nay, phương án giằng chống cây xanh không chỉ được thực hiện đồng loạt trên các tuyến đường mà còn được triển khai ở các công viên, vườn ươm trên toàn TP. do trung tâm quản lý.

Theo thống kê, hiện toàn TP. có khoảng trên 600 cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được xếp vào đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt, Trung tâm CVCX đã lên lý lịch cụ thể của từng cây, như những cây muối có tuổi đời trên 70 năm trên đường Đoàn Thị Điểm, 12 cây nhạc ngựa có tuổi đời trên 100 năm ở công viên Thương Bạc. Mới đây nhất, trung tâm đã trám keo, kết hợp với dùng thuốc diệt mối mọt, ngăn chặn quá trình mai một bộ rễ của một cây long não cổ thụ ở Công viên Tứ Tượng để giữ "sinh mạng" cho cây cổ thụ này.

Theo Thừa Thiên Huế online