PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, BẢO ĐẢM MÔI TRƯỜNG SỐNG AN BÌNH CHO NGƯỜI DÂN

Ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thông báo kết luận tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh (ngày 8/2) về việc triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất đồng ý về chủ trương với các đề nghị của tỉnh và yêu cầu tỉnh cần “quyết liệt phấn đấu, đặt mục tiêu phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, công nghệ và môi trường kinh doanh thuận lợi; phát triển bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm môi trường sống an bình cho người dân”.

Tái cơ cấu các ngành kinh tế phù hợp

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục tích cực rà soát, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Tổ chức tái cơ cấu các ngành kinh tế phù hợp, nhất là trong tình hình dịch bệnh trường xuyên xảy ra như hiện nay. Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, không thoái chí, giảm các chỉ tiêu phát triển trong bối cảnh tác động của dịch bệnh xảy ra.

Hoàn thiện quy hoạch với chiến lược mới; bố trí, sắp xếp lại dân cư, tăng cường công tác quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng hạ tầng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công. Mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất các mô hình, cơ chế, cách làm mới, tạo không gian mới cho sự phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ đô thị thông minh, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tính chuyên nghiệp, kỹ năng và kỷ luật lao động, gương mẫu, đi dầu của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.  

Quyết liệt phấn đấu, đặt mục tiêu phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, công nghệ và môi trường kinh doanh thuận lợi; phát triển bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm môi trường sống an bình cho người dân. Các cấp các ngành tiếp tục tập trung, nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ hơn, phất đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, nhất là thu ngân sách và du lịch.

Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 54 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045: Thừa Thiên Huế là một trong số ít địa phương được Bộ chính trị ban hành nghị quyết với rất nhiều nội dung, mực tiêu lớn và định hướng cụ thể- Đây là điều kiện thuận lợi, những định hướng quan trọng để tỉnh xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển KT- XH trong giai đoạn tới, nhằm phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh riêng có của Huế.

Thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành

Theo kết luận của Thủ tướng, đô thị Huế tương lai sẽ xác định bao gồm thành phố Huế mở rộng, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền. Ảnh: Thanh Toàn

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ trong quý 1/2020.

Về điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế, trên cơ sở tính đến các yếu tố đặc thù của Thừa Thiên Huế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý II/2020.

Về xây dựng Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế- đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế: Thủ tướng đồng ý, giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ VH-TT-DL xây dựng đề án, trình Chính phủ quý II/2020.

Về Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế”: Thủ tướng đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương, trình Chính phủ quý III/2020.

Đáng chú ý, Đề án thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, Thủ tướng thống nhất cho phép tỉnh sử dụng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và các quy hoạch đô thị chung để lập Đề án Phân loại đô thị Thừa Thiên Huế, không tổ chức lập đồ án quy hoạch chung đô thị toàn tỉnh. Đặc biệt, định hướng mô hình đô thị Thừa Thiên Huế đã được Nghị quyết 54 xác định bao gồm thành phố Huế mở rộng, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền và các huyện theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành.     

Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc các đề xuất về sử dụng nguồn vốn kết dư của dự án cải thiện môi trường nước (hơn 1.000 tỷ đồng); hỗ trợ hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh; chuẩn bị đầu tư dự án đường ven biển, cầu nguyễn Hoàng qua sông Hương, đường Vành đai 3, giao các bộ, ngành phối hợp với địa phương hỗ trợ, lập đề án, báo cáo Thủ tướng…

Theo Thừa Thiên Huế online