Nỗi lo thiếu phòng học

Toàn tỉnh vẫn còn trên 100 điểm trường xuống cấp và thiếu 444 phòng học nên nhiều trường phải trưng dụng các phòng chức năng, thuê cơ sở ở ngoài để đảm bảo an toàn cho các em trước mùa mưa bão về.

Nhiều phòng học của Trường tiểu học Trường An không sử dụng được do hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Phan Thành

Nhiều ngôi trường trên 50, 60 tuổi từ thành phố đến nông thôn đồng loạt xuống cấp, đe dọa đến sự an toàn của học sinh. Ở TP. Huế, sau khi Trường tiểu học Trường An phải đi thuê phòng học tại Học viện Hành chính Quốc gia cho gần 500 học sinh học, Trường tiểu học Trần Quốc Toản rơi vào cảnh tượng tự. Ngôi trường này xây dựng từ năm 1953 nên hiện có gần 10 phòng học không sử dụng được. Ở huyện Phong Điền, bậc tiểu học còn thiếu 25 phòng học; mầm non thiếu 13 phòng học. Ở huyện Phú Lộc, Trường tiểu học Lộc Tiến, Nước Ngọt 2; Trường mầm non ở Lăng Cô, Lộc Tiến, Bắc Hà... đang ở tình trạng thiếu phòng học.

"Căn bệnh" chung của nhiều ngôi trường mỗi khi xuống cấp là kết cấu trụ bị bong tróc, trơ cốt sắt, nhiều mảng tường sập đổ, thậm chí, ngay trong lớp học giáo viên phải đặt xô, chậu để hứng nước do trần nhà bị dột. Còn mùa khô, ánh nắng mặt trời chói trực tiếp xuống học sinh buộc giáo viên phải cho các em đội mũ. Nhiều trường sống trong nơm nớp âu lo nên tìm mọi phương án để bảo vệ học trò. Có trường phải trưng dụng phòng y tế, phòng học tin học, âm nhạc, thư viện… thậm chí ghép chung giữa phòng làm việc của lãnh đạo nhà trường, giáo viên và các phòng chức năng. Có trường ngăn phòng tạm bợ dưới chân cầu thang hay phải ghép nhiều cháu vào một lớp để các em có chỗ học an toàn.

Ông Trần Minh Khôi, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc, cho hay: Lớp học mầm non thường chỉ có từ 25-30 cháu. Tuy nhiên, do thiếu phòng học nên các trường phải gom cháu lại, có lớp trên 40 cháu. Số lượng trẻ đông chắc chắn sẽ khó đảm bảo chất lượng”.

Phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó hơn khi chưa tìm được nguồn tài trợ xây mới, sửa chữa các phòng học xuống cấp. Thực tế, có không ít trường chuẩn quốc gia được công nhận, nhưng qua thời gian, cơ sở vật chất xuống cấp, không được tái đầu tư kịp thời nên lại đứng trước nguy cơ “rớt chuẩn.

Năm học 2018 -2019, các huyện, thị xã, thành phố bằng nhiều nguồn vốn xây mới 170 phòng học; đóng mới 2.800 bộ bàn ghế để các em được học trong môi trường sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học vẫn còn 314 lớp chưa có điều kiện để tổ chức học hai buổi/ngày. Qua rà soát, toàn tỉnh vẫn còn trên 100 điểm trường xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn.

Toàn tỉnh vẫn còn thiếu 444 phòng học ở các cấp học. Cụ thể, mầm non còn thiếu 97 phòng, tiểu học 211 phòng, để thực hiện học 2 buổi/ngày; trung học cơ sở thiếu 113 phòng; trung học phổ thông thiếu 23 phòng. Ngoài ra, hiện có 492 nhà vệ sinh (học sinh và giáo viên) xuống cấp cần cải tạo nâng cấp sửa chữa… Trong khi đó, các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 32% nhu cầu của địa phương. Công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo đang gặp nhiều khó khăn và lúng túng, thậm chí, không mang tính khả thi ở các vùng khó khăn do mức sống của bà con quá thấp. Điều đó khiến cho những trường này gần như không có nguồn thu.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan đã rà soát và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn toàn tỉnh. Nguồn vốn đầu tư cho giáo dục từ nguồn ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế là 576,2 tỉ đồng cho 55 dự án. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên sửa chữa, nâng cấp dứt điểm các trường học xuống cấp. Đề án sáp nhập, giải thể các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phù hợp cũng là một giải pháp để thu gọn các điểm trường lẻ, quy mô nhỏ nhằm từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả quán lý cũng như giải bài toán trường học xuống cấp.

Theo Thừa Thiên Huế online