Những năm tháng không quên

Bắt đầu từ ngày 30/4/1977, tập đoàn Pôn Pốt mở các cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam, tập trung vào 6 tỉnh biên giới Tây Nam. Đại tá Lê Đức Tính, nguyên Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc vẫn nhớ mãi trận đánh không thể nào quên vào đầu tháng 11/1977, khi nhiều lần nằm giữa ranh giới sinh - tử.

Lằn ranh sống - chết

Lúc đó, quân ta tiến hành dàn đội hình sát biên giới sẵn sàng đánh quân Pôn Pốt, đồng thời kết hợp các lực lượng tạo thế gọng kìm tiêu diệt địch để đạt hiệu quả cao nhất.

Đại tá Lê Đức Tính bên những huân, huy chương được trao trong giai đoạn chiến đấu chống quân Pôn Pốt

Rạng sáng 4/11/1977, quân Pôn Pốt tấn công đài quan sát nơi tổ tôi đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát pháo binh. Tôi cùng đồng đội lập tức rút về đài phụ để chốt giữ, tiếp tục quan sát, cản bước quân địch. Một đồng đội đã hy sinh và một người khác bị thương.

Trong thế trận quyết liệt, tôi cùng đồng đội đã cầm chân quân địch đến gần 5 giờ chiều trong tình trạng không lương thực, không nước uống. Khi được đại đội tăng cường ứng cứu, tôi lập tức cõng đồng đội bị thương về tuyến sau giữa làn đạn của địch và may mắn sống sót.

Một lần khác, khi đơn vị của tôi thực hiện nhiệm vụ truy quét tại vùng giáp ranh biên giới Thái Lan, quân ta gặp trở ngại bởi khu vực này là ổ dịch sốt rét lớn. Chỉ đóng quân chưa đến một tuần, nhiều chiến sĩ phải chuyển về hậu phương điều trị do sốt rét rồi tiếp tục trở lại chiến đấu để luân phiên điều trị. Nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại không phải bởi bom đạn mà do dịch bệnh. Gian nan, nguy hiểm không làm chùn bước những người lính tiến quân giúp nước bạn quét sạch bóng quân Pôn Pốt diệt chủng.

Cuối năm 1980, khi trở về lại Việt Nam, chúng tôi đi đâu người ta cũng biết đây là lính của Sư đoàn 341 bởi làn da vàng vọt, tóc đã vơi đi phần nào do sốt rét triền miên.

“Quân đội nhà Phật”

Khi quân ta bắt đầu tiến công đồng loạt giúp đỡ nước bạn, tôi được giao nhiệm vụ học tiếng bản địa trong vòng 2 tháng để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ mới, môi trường mới. Trong khoảng thời gian giữ vị trí Trợ lý dân vận tại Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 5, Sư đoàn 341, tôi có dịp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân Campuchia.

Quân tình nguyện Việt Nam có nhiệm vụ vừa đánh địch, vừa xây dựng lực lượng, chính quyền nước bạn tại chỗ và giúp đỡ người dân tăng gia sản xuất. Bởi vậy, nhân dân Campuchia luôn dành tình cảm đặc biệt và biết ơn đối với bộ đội ta, họ gọi chúng tôi với tên gọi trìu mến, gần gũi “Quân đội nhà Phật”.

Nhờ lợi thế biết tiếng địa phương, công việc phối hợp giúp người dân phát hiện, truy tìm các đối tượng xấu còn ẩn náu, tái thiết cuộc sống mới được thuận lợi. Dần dà, người dân Campuchia từ người già cho đến trẻ nhỏ đều quý mến tôi, xem tôi như người dân bản địa. Điều này giúp ích rất nhiều trong công tác dân vận, mang lại hiệu quả tuyên truyền.

Đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi tin chắc rằng, người dân nước bạn vẫn luôn biết ơn sâu sắc, kính trọng những người lính Việt Nam, những người anh em đã hy sinh xương máu để giúp đỡ dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, giành lại cuộc sống hòa bình, ấm no…

Theo Thừa Thiên Huế online