Nghề biển đang trở lại

Những ngày giữa tháng tư này đánh dấu sự “hồi sinh” nghề biển sau một năm vật lộn với biết bao khó khăn vì sự cố môi trường biển. Mọi hoạt động đánh bắt, giá cả hải sản... giờ đây gần như đã trở lại bình thường.

Thu mua cá tại cảng Thuận An

Hoàng hôn vùng biển Ngũ Điền những ngày này ánh lên màu hồng thắm. Biển lặng, hàng trăm con thuyền nằm bờ “nhấp nhổm”, chuẩn bị cho những chuyến biển đánh bắt cá trích đầu mùa.

Bên những chiếc thuyền chuẩn bị vươn khơi, anh Nguyễn Lớn (Phong Hải, Phong Điền) nói : “Sự cố môi trường biển xảy ra đúng vào đầu vụ mùa cá trích năm trước. Nay biển trở lại bình thường, cũng đúng vào mùa cá này. Hàng chục chiếc thuyền đã dong khơi”.

Hơn 9 giờ tối, từng chiếc thuyền nối đuôi nhau trở về sau chuyến đánh bắt cá trích gần bờ.  Chúng tôi “đón” thuyền của anh Nguyễn Cư cập bờ đầu tiên. Đứng bên mạn thuyền nhìn xuống là những khoang cá trích trắng xóa. “Ước hơn 5 tạ anh ạ! Cá trích đầu mùa còn nhỏ nên giá chưa cao, mỗi ký chừng 10 ngàn đồng. Chừng chục ngày tới cá lớn hơn, giá cao gấp rưỡi, gấp đôi”.

Xen lẫn giữa niềm vui của những ngư dân, các bạn buôn cũng rạng rỡ với những chuyến chợ xa cùng những gánh cá trích nướng. “Lâu rồi không được ra bãi chờ ghe về, tụi tui cũng buồn lắm, lại không có nguồn thu nhập, đời sống rất khó khăn. Hôm nay đầu mùa cá trích cũng là “sự khởi đầu” may mắn sau sự cố môi trường biển. Giá cá trích đầu mùa trước đây chỉ 5 ngàn/kg thì nay đã lên 10 ngàn đồng”, chị Thu, bạn buôn ở xã Phong Hải tâm sự.

Mới 9 giờ sáng mà bờ biển Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) đã tấp nập cánh lái buôn chờ sẵn. Ở đây, ngoài mùa cá trích, ngư dân còn có thêm nghề đánh bắt cá cơm. Anh Nguyễn Hùng ở thôn Tân Thành, xã Quảng Công xởi lởi: “Dù chỉ mới đầu mùa, nhưng mỗi trộ “bủa xăm” (lưới kéo cá cơm) mang về 5-7 tạ cá cơm, có ngày cả tấn và nhiều hơn nữa là chuyện thường. Cá nhiều, bán không hết thì làm mắm. Nước mắm cá cơm là đặc sản vùng biển, bán được giá hơn”.

“Chừng tháng nay, người dân không còn ngại ăn cá biển. Có ngày cá trích, cá nục, hay cá cơm không đủ để bán. Cả tạ cá trích nướng, hay mấy chục ký cá cơm chỉ bán chưa đầy một buổi sáng là hết. Mắm cá rò đầu mùa này cũng bán chạy trở lại, có khi “cháy” hàng”, lái buôn Nguyễn Thị Lệ ở xã Hải Dương (TX.Hương Trà) chia sẻ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định môi trường biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt. Các hoạt động đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường. Tháng 2/2017, Bộ tiếp tục yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chỉ đạo đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc hiện trạng chất lượng môi trường biển, tiếp tục theo dõi, thông tin về chỉ số môi trường biển để ngư dân yên tâm sản xuất. 

Khác hẳn với cảnh đìu hiu trước đây, bến cảng Thuận An mấy ngày nay sôi động trở lại. Hàng loạt tàu cá cập bến. Trên bến cảng, hàng chục lái buôn với những chiếc xe chở hàng chờ sẵn đợi tàu về. Cá thu, cá ngừ...nặng vài chục ký được các lái buôn thu mua tận bến. Chủ tàu Phan Tước ở thôn An Hải, thị trấn Thuận An (Phú Vang) phấn khởi: “Chuyến biển này đánh bắt hơn 5 tấn cá, hầu hết là cá thu, ngừ, chủa..., ước thu 250 triệu đồng. Cá được mua, bán ngay tại bến cảng sau đó các lái buôn phân phối tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh”.

Theo ông Tước, trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển, vì hải sản bán chẳng ai mua, giá lại quá rẻ nên các tàu hậu cần thu mua cá trên biển cũng “ngó lơ”. Điều này buộc ngư dân sau khi đánh bắt phải cho tàu chạy thẳng vào Đà Nẵng, hay các tỉnh phía Nam để bán. Giá bán ở các tỉnh này tuy chưa hẳn cao nhưng dẫu sao cũng tiêu thụ được, ngặt nỗi là chi phí xăng dầu di chuyển khá cao nên mỗi chuyển biển lãi chẳng là bao. “Có đầu ra, chuyến biển vừa rồi cho lãi trên 150 triệu đồng, trả công cho bạn thuyền trên 50 triệu đồng!”, ông Tước hồ hởi.

Ông Nguyễn Văn Chường, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận (Phú Vang) phấn khởi trước sự “hồi sinh” của biển, mọi hoạt động khai thác, tiêu thụ hải sản bắt đầu trở lại bình thường. “Giá hải sản bây giờ đã nhích dần lên, gần ngang bằng với trước. Chúng tôi đang tổ chức vận động ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt tầng đáy sang tầng nổi, cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, hiện đại hóa ngư cụ... để vươn khơi theo Nghị định 67 của Chính phủ và một số chính sách khôi phục sự cố môi trường biển”.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 360 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, tăng hơn 100 chiếc so với trước khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển và gần 2.000 thuyền đánh bắt gần bờ. Tổng sản lượng khai thác năm vừa qua đạt trên 30 ngàn tấn, doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, ngay trong thời điểm ảnh hưởng sự cố môi trường biển, ngư dân vẫn đóng mới, cải hoán tàu, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoàng Triều