Nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước

Hiện trên địa bàn TP. Huế, hệ thống thoát nước (HTTN) giao Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (Hepco) quản lý gồm 9.448 hố ga và 181,5km mương, cống các loại.

Mặc dù tổ chức tốt việc gom sạch rác trên các tuyến đường bộ, nhưng do người dân thường “tiện tay” tống trực tiếp các loại rác thải sinh hoạt, đất cát, chất thải từ các nhà hàng ăn uống, sửa chữa xe... xuống các tấm đan, HTTN, nên lượng chất thải, rác thải ứ đọng dưới các HTTN rất lớn.

Để đảm bảo tiêu thoát nước ở các hố ga và các họng thu được giao quản lý, từ đầu năm, Hepco xây dựng kế hoạch nạo vét tổng thể theo từng quý và kế hoạch nạo vét chi tiết hàng tháng. Tại mỗi khu vực, Hepco chọn một số tuyến trọng điểm và tiến hành kiểm tra thực tế lượng bùn tồn đọng trong hệ thống để triển khai nạo vét, trong đó ưu tiên cho các khu vực chợ, khu dân cư đông đúc.

Nạo vét bùn đất, rác thải tại các họng cống đảm bảo khơi thông dòng chảy

Ngoài kế hoạch thường xuyên, trước mùa mưa, Hepco phân công lực lượng tổ chức kiểm tra, tháo dỡ các vật cản, ngăn dòng chảy tại các họng thu nước, cửa khẩu, cống liên hồ do các tổ chức, cá nhân dựng lên, như: sáo, lưới chắn dòng để nuôi cá... Trong mùa mưa, công nhân phụ trách tuyến phải có mặt tại các vị trí xung yếu trên địa bàn quản lý trước 6 giờ sáng để kiểm tra và xử lý kịp thời các sự cố gây tắc nghẽn, đọng nước trên đường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Riêng những lúc mưa lớn gây ngập úng, công nhân phải túc trực trên địa bàn quản lý để khơi thông dòng chảy, nhặt rác ở các họng thu nước… Theo thống kê của Hepco, bình quân khối lượng bùn nạo vét hàng tháng khoảng 200m3.

Đại diện Hepco thông tin, ngoại trừ HTTN đang được Dự án Cải thiện môi trường nước triển khai thi công và HTTN tại các khu tái định cư, các khu đô thị mới được đầu tư mới và khá đồng bộ, hầu như tất cả HTTN còn lại (chiếm khoảng 60%) là HTTN cũ được đầu tư sau năm 1975 đến nay. Các HTTN cũ có đường kính nhỏ bình quân 400- 600mm. Phương tiện thiết bị chuyên dùng không có, hiện chỉ có một xe hút bùn thải, nên công nhân phải thường xuyên làm thủ công bằng cách trực tiếp xuống các cống, hố ga để nạo vét. Mặc dù đã được Hepco trang bị phương tiện bảo hộ lao động, nhưng do hạ tầng cũ kỹ, thiếu máy móc, nên 24 công nhân của Hepco tham gia trực tiếp nạo vét ống cống hết sức vất vả vì công việc nặng nhọc, độc hại.

Đã quen với công việc dọn cống, nhưng với những người làm nghề này, mỗi lần lật từng nắp cống, chui xuống họng cống để nạo vét, khơi thông dòng chảy là mỗi lần phải đối mặt với bùn lầy, đủ các loại rác và mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi, dính chặt lên người rất khó gột rửa sạch. Ngay cả những người dù chỉ lướt ngang qua đường cũng phải bịt mũi, che mặt vì mùi hôi từ miệng cống, những xô bùn thải được đưa lên. Nhiều công nhân trò chuyện, do làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại như vậy nên họ thường gặp các bệnh về da và phổi.

Thông qua những người công nhân hay bằng các hình thức truyền thông, Hepco thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Thế nhưng, thực trạng xả trực tiếp chất thải, rác thải xuống HTTN, xây dựng công trình lấn chiếm lên hệ thống thoát nước hoặc cố tình bít các họng thu nước, các hố ga... vẫn diễn ra. Việc làm thiếu ý thức này của người dân không chỉ làm tắc nghẽn hệ thống tiêu thoát nước, gây ngập úng cục bộ tại nhiều đoạn đường trên địa bàn mỗi khi có lưu lượng mưa lớn mà còn tốn kém, lãng phí công sức lao động, kinh phí để khắc phục xử lý.

Theo Thừa Thiên Huế online