Mùa lạnh dễ bị đột quỵ

Theo TS.BS Tôn Thất Trí Dũng, Phó trưởng Khoa Nội, đơn vị đột quỵ Trung tâm điều trị theo yêu cầu (TT ĐTTYC) Quốc tế, Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

Nhiều bệnh nhân đột quỵ

Sáng 12/1, hai trường hợp trên địa bàn TP. Huế đột quỵ tại nhà và tử vong sau đó. Trong 2 trường hợp này có ông L.Q.T., phường Vỹ Dạ bị tai biến mạch máu não, khi phát hiện, người ông đã lạnh cứng.

Tại đơn vị đột quỵ TT ĐTTYC Quốc tế trong những ngày này, các bác sĩ phải tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân (BN) bị đột quỵ. Cách đây vài hôm, chị L.L.H. (31 tuổi ở Quảng Bình) vừa đi làm về thấy chóng mặt. Khi người thân đưa vào BV Trung ương Huế cấp cứu, chị rơi trong tình trạng hôn mê. Chị H., từng có tiền sử cao huyết áp nhưng người nhà không rõ nên chậm chuyển đi cấp cứu. Do vậy, khi vào  BV Trung ương Huế, bệnh nhân tổn thương xuất huyết quá nặng. Sau gần 2 ngày nằm viện, tiên lượng rất thấp, bác sĩ không thể can thiệp nên gia đình đã xin về.

Kiểm tra BN bị đột quỵ sau thời gian điều trị tích cực tại BV Hương Trà

Mới đây, ông T.D.A. (60 tuổi, TX Hương Thủy) ngủ dậy có cảm giác nhức đầu. Ông A. được người thân nhanh chóng đưa lên cấp cứu bệnh viện. Được sự điều trị hồi sức tích cực của đơn vị đột quỵ - BV Trung ương Huế, sau khi chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn, ông A. thoát khỏi tử thần nhưng hiện sức khỏe vẫn chưa ổn định, đi lại khó khăn và phát âm chưa rõ.

Thông tin từ Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Hương Trà, các bác sĩ vừa cấp cứu cho bệnh nhân 75 tuổi, xã Hương Toàn, Hương Trà. BN vào viện trong tình trạng nhức đầu và không nói được, miệng méo. Nhận thấy người bệnh ở dạng nhẹ, đội ngũ bác sĩ tại đây đưa vào phòng đặc biệt, sưởi ấm điều trị tích cực nên BN dần ổn định sức khỏe. Bác sĩ Dương Vĩnh Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, BV Hương Trà cho biết, những ngày qua BN vào điều trị đa phần bị tim mạch và cao huyết áp; trong đó có nhiều trường hợp nặng nên chuyển vào điều trị tại BV Trung ương Huế.

Cẩn thận khi trời trở lạnh

Theo TS Tôn Thất Trí Dũng, khi thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới huyết áp tăng cao so với mức bình thường, gây ra các hậu quả nghiêm trọng, như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Thông thường với người già, khi ra khỏi nhà là lúc dễ bị nhiễm lạnh, cơ thể lạnh khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này làm áp lực động mạch não tăng lên nhiều, dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, xuất huyết não… Gần 80-90% trường hợp đột quỵ từ nguyên nhân BN tăng huyết áp.

Cấp cứu hồi sức cho BN bị đột quỵ tại BV Phú Vang

Để phòng bệnh đột quỵ mùa lạnh, TS Tôn Thất Trí Dũng cho rằng, những người mắc tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh tim mạch, nhất là người già không nên tiếp xúc lạnh đột ngột. Buổi sáng không nên dậy sớm. Trước khi thức dậy, cần vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ. Phải giữ ấm cơ thể, không tập thể dục, tắm vào sáng sớm, tránh gió lùa đột ngột. Yếu tố quan trọng nhất khi bị đột quỵ phải sơ cấp cứu xoa bóp, hồi sức tim; tuyệt đối không day bấm huyệt và có những tác động xấu làm ảnh hưởng bệnh nhân; không tự ý cho ăn, uống để tránh trường hợp sặc gây nguy hiểm đến tính mạng. Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế-nơi có hả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng (3-6 giờ đầu) phục hồi não. Bởi cứ chậm 1 phút là gần 2 triệu tế bào não chết, nên khó có cơ hội cứu bệnh nhân…

Yếu tố nhận biết BN bị đột quỵ là khuôn mặt BN thường bị lệch, không cân đối, miệng méo, bệnh nhân nói lua hoặc khó nói, khó uống nước, mắt mờ, liệt nửa người bên trái hoặc bên phải, tay chân đột ngột yếu không giơ tay lên được, có triệu chứng nôn mửa...

Theo Thuathienhue online