Mắm Cô Ri & giấc mơ xuất ngoại

Đó là một trong hai cơ sở trong lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) trao giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn quốc tế (HACCP).

30 năm theo nghề

Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 cơ sở chế biến mắm và hàng nghìn hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ. Sản lượng hàng năm khoảng 2.500 tấn. Cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm Cô Ri là một trong những cơ sở nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế với sản phẩm mắm các loại.

Chứng nhận đủ tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế)

Để có được một thành quả như ngày hôm nay, với bà Trần Thị Thái Phượng- chủ cơ sở-là cả một chặng đường dài, bắt đầu từ một điểm kinh doanh nhỏ lẻ chừng 100m2.

Cơ sở ban đầu của bà Phượng thành lập năm 1990, đóng tại đường Tăng Bạt Hổ (phường Phú Thuận, TP. Huế). Ngần ấy năm theo nghề đã cho bà Phượng cùng hàng chục công nhân gắn bó với nghề những kinh nghiệm “để đời”.

Năm 2018, bà Phượng đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây mới thêm một nhà xưởng tại thôn La Ỷ (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) với diện tích 400m2. Hiện cơ sở giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động; mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 350 tấn sản phẩm mắm các loại.

“Trước đây, cơ sở hoàn toàn sản xuất thủ công. Để đáp ứng lượng lớn cung cấp cho thị trường, cơ sở đầu tư thêm máy móc; sản phẩm được vô trùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Dù chưa tự động hóa 100%, nhưng đã giúp cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện cạnh tranh tốt trên thị trường”, bà Phượng trải lòng.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế đạt được, cơ sở mắm Cô Ri nói riêng và tất cả các cơ sở sản xuất chế biến mắm trên địa bàn, vẫn tiêu thụ theo hình thức truyền thống. Đặc biệt các cơ sở sản xuất chế biến mắm trên địa bàn chưa áp dụng được các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO. Vì vậy, các sản phẩm mắm vẫn gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, phát triển thị trường.

Đưa mắm xuất ngoại

“Mấy chục năm trong nghề, có những công nhân đã gắn bó với mình ngay từ cơ sở sơ khai đầu tiên, giờ họ yêu nghề hơn cả… chủ. Mình muốn đưa sản phẩm “xuất ngoại” để tạo thêm công ăn việc làm cho nhân công, đưa sản phẩm truyền thống của quê hương ra với nước ngoài”, bà Phượng tâm sự.

Đa dạng các loại mắm

Quá trình nghiên cứu, khảo sát, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (QLCLNLS&TS) tỉnh đã lựa chọn Cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm Cô Ri để hỗ trợ xây dựng mô hình “Sản xuất áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP” đối với các sản phẩm tôm chua, mắm nêm, ruốc và mắm cà.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh thông tin: HACCP là một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, giúp doanh nghiệp kiểm soát giới hạn các mối nguy mang lại, trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm. Việc xây dựng mô hình áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP tại cơ sở chế biến thực phẩm Cô Ri, được xem là mô hình thí điểm để thúc đẩy, hỗ trợ và phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mô hình được triển khai từ giữa năm 2018, với các hoạt động chính như: Tập huấn kiến thức cho cán bộ kỹ thuật và công nhân tại cơ sở; tư vấn, hướng dẫn xây dựng chương trình quản lý chất lượng; lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng; hỗ trợ thiết bị bảo hộ lao động;… Tổng kinh phí triển khai là gần 145 triệu đồng. Chương trình do Công ty CP Tư vấn và Đào tạo Tín Việt tư vấn, xây dựng mô hình; Công ty CP chứng nhận Globacert là đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn HACCP.

Cụ thể, Công ty CP Tư vấn và Đào tạo Tín Việt đã tổ chức 2 lớp đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho 30 nhân công thuộc cơ sở Cô Ri và cơ sở Bình Yên (đơn vị cung cấp nguyên liệu) về chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và nghiệp vụ kiểm tra viên tại cơ sở. Qua đó, các học viên đã nắm bắt được kiến thức cơ bản về VSATTP, thực hiện xây dựng và ghi chép hồ sơ quản lý chất lượng. Cơ sở cũng đã tiếp thu và sửa chữa một số lỗi trong bố trí như: ngăn cách giữa khu vực sản xuất và khu vực nghỉ ngơi, bố trí khu vực thay bảo hộ lao động hợp lý…

“Bước đầu, cơ sở đã nắm rõ về đảm bảo chất lượng và ATVSTP, đầu tư phương tiện sản xuất tốt hơn, quản lý được chất lượng của sản phẩm. Mô hình là nền tảng cho việc sản xuất đảm bảo ATVSTP và là cơ sở để quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm mắm tại cơ sở này”, ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh nói.

Việc trao giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn HACCP tại Cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm Cô Ri cũng là hỗ trợ bước đầu nhằm xây dựng mô hình hoàn thiện, từ sản xuất đến sơ chế và tiêu thụ, tạo điều kiện phát triển “chuỗi nông sản an toàn”. Mô hình thành công sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng và giúp cơ sở định hướng mở rộng quy mô cũng như phát triển thị trường tiêu thụ ra các nước trên thế giới.

Nhân rộng mô hình

Thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát cơ sở trong quá trình sản xuất và thực hiện chương trình quản lý, tuyên truyền và nhân rộng mô hình cho các sơ sở sản xuất kinh doanh mắm quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn. Phía cơ sở sẽ tiếp tục duy trì giám sát, ghi chép và thực hiện chương trình, nâng cấp và mở rộng về quy mô, điều kiện trang thiết bị vật chất nhằm tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; có kế hoạch để xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Theo Thừa Thiên Huế online