MUA BÁN TIỀN GIẢ TRÊN MẠNG: Đừng để “tiền mất tật mang”

Dù ngành Công an đã vào cuộc và phát hiện một số đối tượng lừa đảo, nhưng tình trạng trao đổi, mua bán tiền giả trên các trang mạng vẫn diễn ra, thậm chí công khai.

Các đối tượng thường chọn hình thức thanh toán bằng card điện thoại

Công khai mua bán 

Chỉ cần gõ cụm từ “trao đổi tiền giả” trên Google sẽ cho ra hàng trăm nghìn kết quả khác nhau. Điều đó chứng tỏ, việc trao đổi tiền giả đang có sức nóng. Để liên lạc với các đối tượng này chỉ cần dùng một tài khoản facebook là dễ dàng kết nối. Bằng cách này, chúng tôi liên lạc với 3 trang mạng trao đổi tiền giả khác nhau với cùng chung một mục đích muốn đổi tiền thật lấy tiền giả.

Trang facebook “Trao đổi tiền giả” được lập ra nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá các mặt hàng về tiền giả với các mệnh giá khác nhau, chủ trang facebook này tự nhận là Vinh đưa ra mức giá, 1 triệu đồng tiền thật đổi được 8 triệu đồng tiền giả. Khách hàng tùy thích lựa chọn các loại mệnh giá. Giả vờ là người cần tiền giả, tôi đề nghị đổi tiền thật lấy tiền giả với các mệnh giá 200 nghìn đồng và 500 nghìn đồng. Theo Vinh, công ty của anh ta làm ăn uy tín, có chi nhánh hầu khắp cả nước, có người giao hàng tận nơi, dù bất cứ ở đâu.

Khi tôi hoài nghi về chất lượng tiền giả thì Vinh liền gửi bức ảnh so sánh 2 tờ tiền có cùng mệnh giá 500 nghìn đồng, có cùng chung số seri là SQ 11192242 và trấn an: “Bạn nhìn vào hình, bạn có phân biệt được đâu là tiền thật đâu là tiền giả không?”. Tôi vờ không nghi ngờ gì thêm rồi mặc cả: “Mình chỉ còn 800 nghìn có thể đổi được 8 triệu đồng hay không, nếu được thì còn giao dịch lâu dài, không đành chịu”. Sau một hồi lưỡng lự, Vinh đồng ý giao dịch. Vinh bảo: “Lúc trước khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua thẻ ATM, nhưng thời gian gần đây hình thức đó quá nguy hiểm và dễ bị lộ nên chuyển sang thanh toán bằng thẻ cào điện thoại Viettel và Vinaphone. Chỉ cần chuyển mã số thẻ cào cho mình, 6-8 tiếng sau sẽ có người của công ty mình chuyển hàng đến bạn ngay tại Huế”.

Cũng bằng hình thức tương tự, chúng tôi liên hệ với chủ nhân của trang “Trao Đổi Tiền Giả Hà Nội Uy tín” và “Trao doi tien”. Chủ nhân của những trang này cũng yêu cầu thanh toán bằng thẻ cào điện thoại. “Bên mình giao hàng tận nơi, rất an toàn. Bạn muốn bao nhiêu cũng có. Một triệu tiền thật đổi được 7 triệu tiền giả. Bạn đặt cọc trước 50% số tiền, đến khi nhận được hàng, bạn thanh toán số còn lại. Mình không thanh toán bằng ATM vì rất nguy hiểm. Sau khi nhận được tiền cọc, hàng sẽ được chuyển bằng xe khách đến tận nơi cho bạn. Chất lượng tiền giả bạn không phải lo. Hàng đến tay bạn, nếu không vừa ý có thể trả lại”, Quang, chủ nhân của trang “Trao Đổi Tiền Giả Hà Nội Uy tín” cho biết.

Còn chủ nhân của trang facebook “Trao doi tien” hướng dẫn cho tôi cách sử dụng… tiền giả. “Một triệu tiền thật đổi được 5 triệu đồng tiền giả. Tiền giả bên mình rất chất lượng, chỉ có máy soi của các ngân hàng mới có thể phát hiện. Khi sử dụng, bạn hãy dùng từng mệnh giá một, không nên sử dụng số lượng lớn. Và mình khuyên bạn nên về các vùng nông thôn, hay cây xăng để sử dụng”, chủ nhân trang facebook này hướng dẫn.

Cảnh giác kẻo “tiền mất tật mang”

Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm; phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm; phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 10 đến 20 năm hoặc tù chung thân; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hình thức trao đổi tiền thật lấy tiền giả của các đối tượng này đánh vào lòng tham của nhiều người. Với cách thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, các đối tượng dễ dàng lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin. Ông Nguyễn Tạ Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, tất cả các ngân hàng thương mại trên cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đều treo các bảng tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân biệt giữa tiền thật và tiền giả. Tiền có giá trị sử dụng chỉ có Ngân hàng Nhà nước ban hành. Mỗi người dân nên tự ý thức, không nên vì lòng tham mà mắc bẫy các đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, các hoạt động rao bán tiền giả trên mạng chỉ là chiêu trò để “bẫy” những người dân nhẹ dạ và hám lợi. Nhóm tội phạm này tạo một tài khoản facebook ảo, sử dụng sim điện thoại rác để liên lạc, nhờ người quen cho mượn tài khoản ngân hàng để giao dịch. Mọi thông tin về tài khoản này đều là thông tin giả. Sau đó, các đối tượng tung ra mức chênh lệch hấp dẫn và cách thức giao dịch tiền giả nhanh gọn để lừa đảo những người cả tin.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ việc lừa đảo nào liên quan đến mua bán tiền giả. Tuy nhiên, khi thời điểm cuối năm đang cận kề, tội phạm về tiền giả sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đại tá Đặng Ngọc Sơn khuyến cáo: Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng có liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, thì mỗi người dân cũng cần hiểu rằng, việc trao đổi tiền giả lấy tiền thật là hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại an ninh tiền tệ quốc gia, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, xã hội. Đừng vì nhẹ dạ, cả tin và hám lợi, tự biến bản thân trở thành nạn nhân của trò lừa đảo, phạm pháp rồi rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.