Lòng tin & câu chuyện khai thác cát, sạn ở Dương Hòa

Những hộ dân của 3 thôn: Hộ, Hạ và Buồng Tằm (xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy) không đồng tình về việc Công ty CP thương mại&dịch vụ Hồng Phát sẽ tiến hành khai thác cát, sạn (KTCS) tại bãi bồi thôn Hộ sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý còn lại.

 

Lán trại và lực lượng tự quản canh phòng "sa tặc" của người dân Dương Hòa được tái lập

Không tin cam kết của doanh nghiệp

Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 08/GP-UBND ngày 2/2/2016 và Công văn số 5765/UBND-TN của UBND tỉnh, Hồng Phát có phương án KTCS hợp lý tại vị trí mốc M1 của khu A (diện tích 3,6ha, độ sâu 4,5m), trước mắt, khai thác cách mốc M1 100m về phía hạ lưu. Ở khu B (diện tích 1,5ha, độ sâu 4,5m, cách M2 của khu A đến M10 khu B là 310m), Hồng Phát chưa tiến hành khai thác ở khu vực này. Những vị trí Hồng Phát được cấp giấy phép khai thác nằm trong bãi bồi thôn Hộ.

Trong buổi kiểm tra, giám sát hoạt động KTCS ngày 28/2 tại bãi bồi thôn Hộ của Hồng Phát, đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở: Tài nguyên & Môi trường; Giao thông vận tải; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Xây dựng; đại diện lãnh đạo TX. Hương Thủy, xã Dương Hòa và Hồng Phát, đại diện Sở Giao thông vận tải đánh giá, việc KTCS của Hồng Phát cách mốc M1 100m về phía hạ lưu đảm bảo an toàn hành lang đường bộ, không gây sạt lở.

Tuy nhiên, người dân 3 thôn: Hạ, Hộ và Buồng Tằm lại không đồng tình với việc Hồng Phát thực hiện hoạt động KTCS ở địa điểm nói trên. Lý do, theo các ông: Trương Văn Quốc, Lê Văn Rin, Nguyễn Ngọc Nhật – Trưởng các thôn: Hộ, Hạ và Buồng Tằm, bà con 3 thôn nói trên cho rằng, tuy trong giấy phép các công ty, doanh nghiệp nói chung chỉ được khai thác đúng độ sâu quy định, nhưng không có sự giám sát thường xuyên nên việc khai thác quá độ sâu cho phép thường xuyên xảy ra, dẫn đến sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng tài sản, tính mạng người dân. “Một mặt không tin họ sẽ khai thác đúng cam kết, mặt khác, nếu Hồng Phát tiến hành khai thác tại địa điểm này, bà con lo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích An toàn khu”, các trưởng thôn cho biết.

Lực lượng chức năng xã Dương Hòa trong một lần kiểm tra sạt lở trên địa bàn xã

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa nhận định, thực tế khâu kiểm tra, giám sát hoạt động KTCS từ phía các cơ quan chức năng chưa nhiều. “Lâu lâu mới thấy đi kiểm tra 1 lần nên không ít phương tiện tuy nằm trong khu vực được phép khai thác nhưng thực tế, họ vươn vòi ra khỏi phao giới hạn, thậm chí đưa sát gần bờ để hút trộm. Chưa kể, hôm nay đi kiểm tra thấy phao giới hạn đúng vị trí, nhưng sau kiểm tra, phao lại dịch chuyển ra nơi khác cũng không phải là chuyện hiếm nên việc bà con phản ứng là điều tất yếu”, ông Lộc nói.

Ông La Đành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa cho biết, việc KTCS trước đây ở Dương Hòa và một số nơi trên địa bàn tỉnh chưa thật sự gắn với bảo vệ môi trường và hậu quả để lại rất lớn. Minh chứng là trước đó, DNTN Phú Vĩnh được cấp phép KTCS trên địa bàn xã Dương Hòa. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khai thác vượt phạm vi khu mỏ được cấp phép, khai thác vào bờ làm sạt lở dọc bờ sông nên bà con không tin tưởng về những cam kết của Hồng Phát trong quá trình khai thác tài nguyên nơi đây. “Chính quyền và các cơ quan chức năng nên cân nhắc giữa được và mất, cũng như nghiên cứu, chọn vị trí khai thác hợp lý hơn”, ông Đành nêu ý kiến.

Cần thành lập lực lượng giám sát chuyên biệt

“Sau khi Hồng Phát được cấp phép, người dân Dương Hòa đã có 2 đơn kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa nhận được trả lời khiến người dân rất lo lắng. Trước ngày làm việc với đoàn liên ngành, chúng tôi đã xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Mọi người cho rằng, lúc chưa ngăn đập Tả Trạch, nếu hút cát, sạn thì vẫn có thể bù đắp khi có mưa kéo theo cát, sạn trên nguồn đổ về. Nhưng bây giờ đã ngăn đập, nếu khai thác là mất, không bù đắp được”, ông Phan Hữu Hiền, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Dương Hòa chia sẻ.

Trong lúc chờ trả lời kiến nghị, người dân thôn Hạ, thôn Hộ và thôn Buồng Tằm đã tái lập đội tự quản, dựng lại lán trại và cắt cử người trực 24/24 tại khu vực gần cầu thôn Hạ (đang triển khai xây dựng). Trước đây, để chống nạn hút trộm cát, sạn, người dân nơi đây từng thành lập đội tự quản. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên sau một thời gian, lực lượng này giải tán.

“Trong và sau Tết Kỷ Hợi, khu vực này tiếp tục rộ lên nạn đào, hút trộm cát, sạn nên bà con tái lập đội tự quản, cắt cử người túc trực 24/24 để đẩy đuổi “sa tặc”. Trước mắt, một ngày có 2 ca, mỗi ca 2 người túc trực. Kinh phí bà con tự nguyện bỏ ra. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi rất cần hỗ trợ từ phía chính quyền”, anh Tân – thành viên tổ tự quản cho biết. Diễn biến mới nhất, ngày 4/3, UBND xã Dương Hòa cho biết, 30 giáo dân sau khi làm lễ tại Giáo xứ Buồng Tằm đã xuống nhổ, phá hủy mốc M1; xô ngã mốc M2 xuống sông và chở 3 trụ bê tông (chôn giữa mốc M1 và M2) về bỏ cạnh cổng chính của Giáo xứ Buồng Tằm

Người dân dẫn chứng, cuối tháng 10/2018, cùng với Công ty CP Châu Thành Phát và Công ty CP Xây dựng 939, Hồng Phát đã bị lực lượng chức năng xử phạt 800 triệu đồng do vi phạm quy định về độ sâu so với độ sâu được cấp phép khi KTCS ở khu vực bãi bồi Lương Quán (P. Thủy Biều – TP. Huế). 

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, sau những nghiên cứu, đánh giá của giới chuyên môn, việc khai thác cát, sạn khu A mục đích khơi thông dòng chảy, giảm sạt lở cho bờ bên kia (khu vực thôn Hộ) bởi nơi đây đã và đang có dấu hiệu sạt lở, trong khi bờ bên này (mốc M1 của khu A) lại là bãi bồi. Tuy nhiên, bên cạnh những lo ngại của người dân, việc Hồng Phát chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết sau khi được cấp phép, cũng như chưa giải thích rõ ràng với người dân trong lần đối thoại trước đó là yếu tố mà Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu với tỉnh để có giải pháp thích hợp, chẳng hạn như thu hồi giấy phép của Hồng Phát và giao quyền khai thác cho một đơn vị nhà nước.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy thông tin: Nếu có thể giải quyết hài hòa giữa lợi ích và bảo vệ môi trường thì không nói làm gì, nhưng ngược lại thì phải nghiêm túc cân nhắc, tránh để xảy ra xung đột không đáng có giữa người dân và doanh nghiệp. "Nói chung, thị xã sẽ nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh", ông Tập nhấn mạnh.

Để hài hòa giữa lợi ích, bảo vệ môi trường, ngoài việc nghiên cứu, bố trí công ăn việc làm cho các đối tượng vì sinh kế mà trở thành “sa tặc”; thành lập và hỗ trợ kinh phí cho các đội tự quản; họp và lấy ý kiến của dân trước khi tiến hành khai thác, chính quyền và các sở, ban, ngành hữu quan nên thành lập lực lượng giám sát KTCS chuyên biệt. Lực lượng này được trang cấp phương tiện di chuyển (ghe, thuyền máy), thiết bị đo đạc, lên lịch kiểm tra thường xuyên, gắn trách nhiệm cùng những chế tài xử phạt có tính răn đe mạnh hơn.

Và tất nhiên, việc kiểm tra cũng cần áp dụng đối với Hồng Phát nếu công ty này hoàn tất thủ tục thuê đất và hồ sơ khai thác mỏ để tiếp tục triển khai hoạt động KTCS theo giấy phép được phê duyệt ở khu vực bãi bồi thôn Hộ trong thời gian tới.

Theo Thừa Thiên Huế online