Lên phố hái rau

Dọc hai bờ sông Hương, thỉnh thoảng mỗi buổi chiều xuất hiện hình ảnh những cụ bà ngồi hái rau mưu sinh, vì nguồn rau nơi đây xanh tốt.

Bà Gái hái rau bên bờ sông Hương

Đất lành, rau mọc

Hình ảnh cụ bà tuổi đã già lom khom dưới bãi cỏ phía công viên Thương Bạc làm chúng tôi tò mò. Lại gần mới biết, bà đang hái rau má. Từ phường Xuân Phú, những buổi chiều không mưa, bà Nguyễn Thị Gái (75 tuổi) lại chăm chỉ đến các công viên dọc hai bờ sông Hương hái rau về bán tại chợ Cống. Nơi bà sống chỉ cách miền quê Thủy Vân (Hương Thủy) một cây cầu nhỏ, nhưng nguồn rau lại không nhiều như ở đây. Bàn tay thoăn thoắt vạch cỏ, nhổ rau, mỗi buổi chiều từ 2 giờ đến lúc chập choạng tối, bà Gái cũng hái được một giỏ xách để đi chợ trong sáng hôm sau. Bà kể, công việc hái rau bán ở chợ đã theo bà suốt nhiều năm qua. Tuổi già, con cái khuyên nghỉ, nhưng không lao động là buồn tay buồn chân, nên bà quyết định giữ nghề làm vui. Trước đây là những đồng cỏ ở quê, gần các mương ruộng, bờ sông. Khi đến mùa vụ, người ta phun thuốc diệt cỏ nên dần dần rau tự nhiên cũng không còn mọc nhiều. “Mấy năm trở lại, tui lên đây hái, cứ chịu khó mỗi buổi chiều cũng được cả giỏ rau. Nơi đây gần bờ sông mát nên rau nhanh lên. Có lẽ, đất lành nên rau mọc”, bà Gái mỉm cười.

Người thứ hai mà chúng tôi gặp là bà Nguyễn Thị Tồn (85 tuổi), trú tại tổ 15, khu vực 4, phường Hương Long. Hàng chục năm qua, cụ bà này vẫn sống được bằng nghề hái rau dọc hai bờ Hương Giang. Cuộc sống gia đình khó khăn, bà đeo đuổi nghề để kiếm sống và nuôi đứa con bệnh tật. Bà Tồn tâm sự, đã thành thói quen, mỗi lần lên nhà không gặp bà thì cứ tìm các công viên sẽ thấy. Vì sao bà không hái rau ở gần nhà?- Chúng tôi hỏi. Bà giải thích: “Vì rau ở công viên nhiều, chủ yếu là rau má, đây là nghề chỉ bỏ công không bỏ vốn nên phải tìm nơi nhiều mà hái. Ở gần nơi tui ở cũng có nhưng ít rau, vì rứa mà chấp nhận đi 5-7 cây số để về đây”.

Được khách

Những lần cùng hai cụ bà hái rau, chúng tôi có dịp quan sát kỹ rau má nơi đây mọc khá tốt. Người hái rau không cần di chuyển nhiều, cứ vạch những bãi cỏ thì lớp lớp rau má mọc dưới đó. Bà Gái chia sẻ, do mất lòng tin về rau trồng có phun hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng nên biết nguồn gốc rau mình hái, họ rất thích mua. “Rau tui nhổ có khi có rễ theo từng chùm, nhìn vô là biết rau mọc tự nhiên. Ngoài chợ rau cũng nhiều nhưng họ lại thích mua loại tui hái, họ nói ăn yên tâm không sợ thuốc. Nhờ rứa mà tui bán được”, bà Gái giải thích.

Theo ước tính của những người hái rau dọc hai bờ sông Hương, mỗi ngày chăm chỉ, họ cũng thu hái được khoảng 30.000 - 50.000 đồng bán rau. Mùa Tết, khi giá cả tăng lên, đây trở thành nguồn thu nhập khá cho những người tuổi xế chiều còn lam lũ. Bà Tồn trải lòng, công viên cũng là nơi đông người, có khi thấy bà hái, nhiều bạn trẻ lại phụ giúp một tay.

Chia tay những cụ bà hái rau bên phố, họ để lại câu chuyện làm chúng tôi an lòng: “Khách của tui cũng nhiều, có những ngày chưa ra chợ bán, họ đã đến nhà mua. Hoặc gánh hàng giữa đường là trở về vì hoàn thành xong chuyện bán buôn. Mỗi người mua vài ngàn thôi, nhưng vì rau sạch nên bán nhanh hết”.

Theo Thừa Thiên Huế online