Kỳ tích cứu sống bệnh nhân bị viêm cơ tim tối cấp

Chiều 16/8, các bác sĩ Trung tâm tim mạch (TTTM), Bệnh viện (BV) Trung ương Huế cho biết, vừa cứu sống bệnh nhân NTH. (27 tuổi, Ba Đồn, Quảng Bình) bị viêm cơ tim tối cấp đi từ "cửa tử" đến "cửa sinh" bằng kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) một cách kỳ tích.

 

Bệnh nhân H. có thể xuất viện trong một vài ngày đến

Trước đó, ngày 31/7, bệnh nhân H. được chuyển vào BV Trung ương Huế từ Quảng Bình. Tại đây bệnh nhân chỉ có triệu chứng đau ngực, khó thở, sốt. Sau khi khám lâm sàng tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội tiết Thần kinh hô hấp điều trị. Tuy nhiên tại thời điểm này siêu âm tim bệnh nhân lại thấy chức năng năng tim giảm đột ngột (EF từ 60% xuống còn 39%).

Xác định đây là một trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp, sốc tim nặng, do vậy các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên khoa để đưa ra phương án cứu bệnh nhân.

Chiều 1/8, tình trạng sốc tim của bệnh nhân H. diễn tiến xấu, nguy cơ tử vong chỉ trong một giờ tiếp theo. Ngay sau đó, bệnh nhân được cấp cứu nhồi tim chuyển đến Khoa Gây mê hồi sức tích cực (GMHS), TTTM, BV Trung ương Huế tiến hành can thiệp phương pháp Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Cùng khởi động kỹ thuật ECMO lại vừa hỗ trợ điện xung động mạch chủ (IABP), nhằm hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Đặng Thế Uyên, Trưởng khoa GMHS, TTTM, BV Trung ương Huế, người trực tiếp can thiệp cho biết, trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh lý này, khoa quyết định chỉ định phương pháp ECMO nhằm hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân H. Sau khi được hỗ trợ ECMO, các chỉ số, tình trạng huyết động cải thiện tốt. Đến này thứ 6 kể từ khi can thiệp phương pháp trên, chức năng tim hồi phục tốt, hô hấp ổn định, toàn trạng bệnh nhân khá lên, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo các bác sĩ Khoa GMHS, TTTM, bệnh lý của bệnh nhân H. vừa gặp là viêm cơ tim rất khó phát hiện, bởi triệu chứng ban đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt thông thường. Hậu quả của bệnh rất nguy hiểm, thậm chí tử vong. Trong đó, thể tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, có nguy cơ tử vong rất cao đến 70% nếu không được điều trị tích cực kịp thời.

Bác sĩ Uyên thông tin thêm, ECMO có thuận lợi là dễ dàng và nhanh chóng có thể triển khai (trong vòng 20-30 phút) mà không phải mở xương ức. Đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp có ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, phương pháp này không phải đơn vị, cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được. Vì vậy, các bệnh nhân, người nhà khi có biểu hiện bệnh lý viêm cơ tim phải đến sớm, đúng tuyến để can thiệp sớm thoát được "cửa tử".

Theo Thừa Thiên Huế online