Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2018 chuyển biến tích cực

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng nhân dân toàn tỉnh, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2018 có bước chuyển biến tích cực. Trong đó, tổng vốn đầu tư 3.191 tỷ đồng, tăng 5,52% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 193,4 triệu USD, tăng 2,75%; thu ngân sách ước đạt 1.304,7 tỷ đồng, bằng 19,10% dự toán.

Nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá

Trong quý I/2018, lĩnh vực du lịch - dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá với tổng lượt khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 1.103,21 nghìn lượt khách, tăng 39,52% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 534,61 nghìn lượt, tăng 70,38% và khách lưu trú ước đạt 523,18 nghìn lượt, tăng 11,39%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.252 tỷ đồng, tăng 9,53%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến thủy sản tăng 31,25%; sản xuất sợi tăng 6,74%; may mặc tăng 16,24%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 29,66%; sản xuất cao su tăng gấp gần 6,9 lần; sản xuất gạch ngói tăng 40,64%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng 13,69%...Giá trị xuất khẩu ước đạt 193,4 triệu USD, tăng 2,75%; các nhóm hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và tăng khá so cùng kỳ như: nông, thuỷ sản ước đạt 10,02 triệu USD, tăng 13,11%; công nghiệp chế biến ước đạt 172,01 triệu USD, tăng 4,06%.

Về thu hút đầu tư, đến cuối tháng 3/2018, có 07 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký 1.934,2 tỷ đồng. Trong đó, nhà máy điện mặt trời của Công ty cổ phần đầu tư Đoàn Sơn Thủy có vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng, công suất 50MWp; Dự án nhà máy kéo sợi mở rộng của Công ty CP Sợi Phú Bài vốn đầu tư 360 tỷ đồng, mở rộng công suất 208.000 cọc sợi;  Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành may và may mặc Song Thiên Long của Công ty TNHH MTV Song Thiên Long 99 tỷ đồng...Có 149 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 1.224,73 tỷ đồng; tuy nhiên, có 121 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 17 doanh nghiệp giải thể.

Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển ở một số lĩnh vực có thế mạnh. Nhờ thời tiết diễn biến thuận lợi nên Lúa vụ Đông Xuân sinh trưởng tốt, với diện tích gieo cấy đạt 28.589 ha, tăng 0,1% so cùng kỳ; hàng nghìn ha cây rau màu các loại được gieo trồng như sắn 5.038 ha, lạc 2.807 ha, rau các loại 2.610 ha, khoai lang 1.938 ha... Chăn nuôi ôn định và phát triển, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trồng rừng tập trung tăng khá với diện tích 2.125 ha, đạt 30,4% kế hoạch, tăng 12,2%. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.122,5 ha, tăng 2,9%. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 7.936 tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác biển 6.010 tấn, tăng 5,6%. 

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội đảm bảo. Nhiều hoạt động văn hóa đều gắn kết quảng bá, chào đón Festival lần thứ 10 - năm 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản”. Từ đầu năm đến nay, đã có 1.120 lao động tham gia các lớp học nghề; tổ chức 07 phiên giao dịch việc làm và giải quyết việc làm mới cho 3.973 lao động, đạt 24,83% kế hoạch (tăng hơn 1.000 lao động so với cùng kỳ), trong đó có 147 lao động đi làm việc nước ngoài.

Tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tỉnh năm 2018. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp CNTT; đẩy nhanh tiến độ dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương; triển khai chính sách hỗ trợ DNVVN, nhất là DN thành lập mới, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Tổ chức thành Festival Huế lần thứ X năm 2018; mở rộng cuộc vận động toàn dân xây dựng “Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu giải quyết việc làm năm 2018.

Cùng với đó, rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, nông sản hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản; thí điểm khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BT; giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh. Rà soát, bổ sung vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2018 và định hướng đến năm 2020.

Tiếp tục vận hành hiệu quả các Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực như: tài nguyên môi trường, đất đai, giao thông vận tải, du lịch, quy hoạch xây dựng. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

 

Theo www.thuathienhue.gov.vn