Kiến tạo cho một nhận thức

Rất nhiều người tham gia vào các nỗ lực làm sạch cộng đồng. Họ dành một buổi sáng thứ bảy, chủ nhật để nhặt rác trong công viên, dọc đường đi, các di tích, thắng cảnh hoặc sơn, vẽ một vài chậu cảnh. Nhưng không phải ai cũng có động lực để làm.

 

Đoàn viên thanh niên hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh tại biển Vinh Hải, Phú Lộc. Ảnh: THÁI BÌNH

Sự trở lại của những con rùa

Một câu chuyện của chàng trai Afroz Shah về việc nhặt rác cải thiện bãi biển, nó là điển hình cho việc kiến tạo một hành động, một nhận thức cho người dân.

Năm 2015, Afroz Shah chuyển đến một căn hộ gần bãi biển Versova, thành phố Mumbai, Ấn Độ - một dải đại dương bị bỏ qua gần khu ổ chuột. Anh ta bị sốc bởi sự ô nhiễm mà anh ta nhìn thấy - bãi biển phủ đầy rác thối rữa.

"Nhựa cao 5,5 feet. Một người đàn ông có thể bị chết đuối trong nhựa", Shah nói với truyền thông: "Tôi sẽ đến và làm một cái gì đó. Tôi phải bảo vệ môi trường của mình và nó đòi hỏi phải có hành động mặt đất".

Lúc đầu, Shah và hàng xóm của mình, một người đàn ông 84 tuổi, đi ra ngoài và nhặt nhiều rác nhất có thể. Sau một thời gian, Shah nhận ra rằng anh ta phải mở rộng đội ngũ của mình nếu anh ta muốn giải cứu một cuộc khủng hoảng môi trường.

Anh bắt đầu gõ cửa và nói chuyện với người dân địa phương, giải thích tác hại do ô nhiễm biển gây ra. Quyết tâm của anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người và sớm hàng chục, hàng trăm, và cuối cùng là hơn một ngàn tình nguyện viên từ mọi tầng lớp tham gia.

Sau 21 tháng làm việc, họ đã nhặt được 11.684.500 pound rác, hầu hết là nhựa được tích lũy dọc theo bờ biển. Họ cũng dọn dẹp 52 nhà vệ sinh công cộng và trồng 50 cây dừa. Và sau khi rác được dọn sạch, loài rùa đã quay trở lại sau 20 năm bỏ đi. Đó là một kết quả xứng đáng cho những ý tưởng về dọn rác, về ý thức bảo vệ môi trường mà Shah “kiến tạo” cho người dân trong thành phố Mumbai.

Shah chỉ hy vọng đây là sự khởi đầu cho các cộng đồng ven biển trên khắp Ấn Độ và thế giới. Anh muốn "xuất khẩu" tâm lý này trên toàn thế giới, làm sạch các đại dương và hệ sinh thái để tạo ra một thế giới có thể thúc đẩy sự sống trong tất cả sự huy hoàng của nó.

Lực lượng vũ trang cùng đoàn viên thanh niên ra quân làm sạch môi trường biển. Ảnh: THÁI BÌNH

Nhặt một cọng rác, Huế sẽ sạch hơn

Cũng giống với Afroz Shah, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây đã tạo ra một chương trình khá "tham vọng" mang tên “Chủ nhật xanh”. Người đứng đầu chính quyền nơi đây, ông Phan Ngọc Thọ muốn thay đổi nhận thức, ý thức của người dân về việc nhặt rác và bỏ rác đúng nơi quy định.

Trong một báo cáo mới nhất, chương trình “Chủ nhật xanh” ghi nhận sau 2 tháng phát động, 7 tuần triển khai đã có 337 đợt ra quân với sự tham gia của 25.926 người. Và từ khi phát động đến nay, mỗi chủ nhật hàng tuần nhiều nơi trên khắp Thừa Thiên Huế đều xuống đường dọn rác, nhặt rác như thông điệp mà Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đưa ra “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn!”.

Rác thải và việc xả rác tràn lan khắp mọi nơi đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường. Những hành động bây giờ dù không sớm nhưng chưa hẳn muộn sẽ đem đến một môi trường trong sạch hơn cho thế hệ sau. Và ở tầm to lớn hơn nó sẽ làm giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ ngôi nhà chung là Trái đất.

Rác và ý thức bỏ rác đúng nơi, nhặt rác trên đường nếu không có một chiến dịch thì nó sẽ khó đánh động vào được ý thức của người dân. Shah hiểu điều đó và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhận ra đó là một vấn đề lớn nếu muốn môi trường sạch hơn, ý thức của người dân được nâng cao hơn.

Hình ảnh loài rùa trở lại bãi biển ô nhiễm nhất Ấn Độ sau 20 năm cho thấy kỳ tích luôn nằm trong tay con người. Hình ảnh người dân Thừa Thiên Huế xuống đường nhặt rác, dọn rác mỗi chủ nhật đến cho thấy “Chủ nhật xanh” đã phần nào đánh động được vào ý thức của người dân.

Sẽ không là muộn với việc dọn rác và làm sạch môi trường nếu chúng ta có những kiến tạo hợp lý giúp cộng đồng thay đổi được nhận thức như cách làm của Shah và “Chủ nhật xanh”.

Những ý tưởng, những kiến tạo cho một nhận thức về việc nhặt rác, bỏ rác đúng nơi quy định đang được lan tỏa một cách tích cực ở nhiều nơi trên thế giới, góp phần thôi thúc những hành động bảo vệ môi trường.

Theo Thừa Thiên Huế online