Không để sốt xuất huyết lan rộng

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang lan rộng trên phạm vi cả nước. Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (YTDP) tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn.

Kiểm tra chỉ số loăng quăng ở xã ven phá huyện Phú Lộc

Xin ông cho biết tình hình SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 139 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Dengue, không có trường hợp tử vong. Đây là một con số khá thấp so với các địa phương trên cả nước, số ca bệnh xuất hiện rải rác ở 9 huyện, thị xã, thành phố và chưa thể gọi là dịch. Qua theo dõi, con số này không tăng so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng trên phạm vi cả nước, ngành y tế, trong đó Trung tâm YTDP đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, trung tâm y tế (TTYT) chỉ đạo các khoa kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và truyền thông tới người dân về bệnh SXH và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế, các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện trên địa bàn tăng cường giám sát hàng ngày, lấy mẫu toàn bộ các ca bệnh nghi ngờ để chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và phối hợp các TTYT huyện, thị xã, TP. Huế xử l‎ý ca bệnh trong 24 giờ hạn chế lây lan.

Như ông vừa nói, trên địa bàn đã xuất hiện gần 140 ca bệnh SXH nhưng không thể gọi là dịch SXH. Vậy khi nào mới được gọi là dịch SXH?

Dịch SXH được định nghĩa là nơi có ca chẩn đoán xác định SXH nặng, hoặc có ca SXH xét nghiệm phân lập virus kết quả dương tính; hoặc trong một địa bàn đó có 2 ca trong vòng 1 tuần được chẩn đoán SXH; hoặc chỉ cần 1 ca SXH tử vong thì địa bàn có ca tử vong đó gọi là ổ dịch. Ổ dịch được quy định trong phạm vi bán kính 200 mét tính từ nhà có ca bệnh SXH.

Theo quy ước trên, Bộ Y tế gọi là có ổ dịch nhỏ. Trong thời gian qua, trung tâm chưa phát hiện ổ dịch nào ở trên địa bàn tỉnh bởi do tổ chức điều tra xử lý ca bệnh trong vòng 24 giờ không để lây lan và kết quả hầu như không có ca bệnh mới xảy ra tại nơi có ca bệnh đầu tiên. Qua theo dõi vùng có nguy cơ cao, trung tâm chỉ đạo khoanh vùng phun hóa chất diện rộng kết hợp với tổ chức các chiến dịch thau vét bọ gậy trong toàn tỉnh, không chế triệt để ngay từ ban đầu khi phát hiện có chỉ số véc tơ cao.

Ông nhận định tình hình SXH hiện nay trên địa bàn tỉnh?

Dù chưa xảy ra dịch SXH nhưng nguy cơ xảy dịch là rất cao, bởi Thừa Thiên Huế ở khu vực miền Trung, nắng và mưa nhiều, độ ẩm cao thích hợp cho sinh sản và hoạt động của muỗi truyền bệnh SXH. Năm 2017 là năm chu kỳ dịch. Hơn nữa, tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp trên toàn quốc, đặc biệt ở Hà Nội hiện đang bùng phát mạnh. Thừa Thiên Huế là điểm đến của khách du lịch, có nhiều khu công nghiệp, làng nghề, có nhiều lao động làm ăn ở miền bắc, nam, nước bạn Lào và nhiều trường đại học, cao đẳng thu hút hàng chục nghìn học sinh, sinh viên đến từ nhiều địa phương. Với tình hình di, biến động dân cư cơ học và chuẩn bị vào năm học mới nên nguy cơ dịch SXH lây lan ở Thừa Thiên Huế sắp đến rất cao.

Ngành y tế có biện pháp gì để tiếp tục phòng chống SXH hiệu quả?

Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống SXH, có văn bản chỉ đạo các đơn vị tham mưu chính quyền địa phương tổ chức cam kết phòng, chống dịch bệnh từ đầu năm; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục đến tận gia đình người dân. Ngoài công tác chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị, con người có kỹ năng chuyên môn, một trong những giải pháp phòng chống SXH hiệu quả là triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, phòng chống muỗi đốt, giữ gìn vệ sinh môi trường cơ quan, trường học, xóm thôn, khu phố sạch sẽ.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm phối hợp chặt chẽ với các TTYT huyện, thị xã, TP. Huế, các bệnh viện trên địa bàn tăng cường giám sát dịch tễ học, phát hiện ca bệnh, xử lý ổ dịch. Cụ thể là các địa bàn có ca bệnh SXH, như Phú Vang, Hương Trà, TP. Huế, thị xã Hương Trà... kịp thời thu dung điều trị triệt để; triển khai chiến dịch diệt loăng quăng hàng tuần, khoanh vùng xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi tại địa bàn, địa chỉ có ca bệnh SXH nhằm tránh lây lan diện rộng. Hiện tại, UBND các huyện, thị xã, TP. Huế đang mở các hội nghị sơ kết 7 tháng đầu năm 2017 về phòng chống dịch và đề ra kế hoạch 5 tháng cuối năm để huy động sự tham gia các ban, ngành đoàn thể, người dân phòng ngừa SXH hiệu quả.

Ông có khuyến cáo gì với người dân khi SXH đang diễn biến phức tạp?

Phải xác định bệnh SXH là bệnh do vi rút, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắc xin phòng bệnh, trong đời một người có thể mắc 4 lần SXH. Do vậy, chủ yếu là điều trị triệu chứng và triển khai các biện pháp phòng, chống muỗi đốt để tránh mắc bệnh. Việc phòng, chống SXH để không riêng ngành y tế mà cần cả cộng đồng xã hội vào cuộc. Khi phát hiện mình và người thân trong gia đình có các dấu hiệu như sốt cao, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời; tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà, tránh tình trạng bệnh diễn tiến biến chứng nặng.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi!

“Những năm qua, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có kinh nghiệm đi đầu trong công tác phòng chống, khống chế dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH. Tuy nhiên việc triển khai phòng, chống dịch cần quyết liệt hơn nữa, và vai trò, trách nhiệm của người dân là cực kỳ quan trọng trong việc khống chế SXH tại cộng đồng.

Hiện tại và thời gian đến, Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống SXH nhằm giảm thiểu số ca mắc mới, đồng thời rà soát những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao để khoanh vùng xử lý giảm số ca mắc mới; sàng lọc bệnh nhân để quản lý và phân tuyến điều trị triệt để những trường hợp mắc SXH, tuyệt đối không để có trường hợp tử vong; ngành y tế thành phố, huyện, thị xã cần tham mưu tốt mọi mặt cho chính quyền địa phương có những biện pháp phòng, chống dịch theo hướng chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả hơn”. 

TS. Nguyễn Nam Hùng - Giám đốc Sở Y tế

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế