KỶ NIỆM 105 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (1/1/1914-1/1/2019) Diện mạo mới trên quê hương Đại tướng

Trở lại Quảng Thọ (Quảng Điền), chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi các tuyến đường đã được quy hoạch và mở rộng. “Luồng gió” của phong trào xây dựng nông thôn mới đã đem lại cho quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một diện mạo mới.

Trường tiểu học Quảng Thọ trong giờ ra chơi

Bộ mặt xã Quảng Thọ đang thay đổi từng ngày. Đường Nguyễn Chí Thanh nối trung tâm huyện Quảng Điền và TP. Huế kết nối với hệ thống đường ven sông Bồ đến Khu lưu niệm Đại tướng được nhựa hóa. Những con đường liên thôn, liên xóm được cấp phối và bê tông hóa. Các công trình thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Hồ Quang Phong hồ hởi: “Tỷ lệ hộ nghèo ở xã giờ chỉ còn 1,5%. Nông dân đã năng động, mạnh dạn ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như nắm thời cơ để làm chủ trên quê hương của mình”. Chúng tôi ấn tượng trước con số mà UBND xã Quảng Thọ cung cấp về diện tích rau má trên địa bàn đã lên đến trên 50 ha. Toàn xã có trên 300 hộ dân trồng loại rau này với sản lượng ước đạt trên 2.500 tấn, trị giá đạt gần 300 triệu đồng/ha.

Hơn chục năm trước, nếu như rau má chỉ phát triển theo hướng tự phát thì nay đã được trồng theo mô hình VietGAP. Các sản phẩm mở rộng ở các cửa hàng và được đưa vào tiêu thụ ở siêu thị. Ngoài sản xuất và cung ứng 70% sản phẩm rau tươi, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ hiện đã sản xuất thành công 2 sản phẩm từ rau má là trà đựng trong túi lọc và trà sấy khô, cung ứng ra thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước với công suất ban đầu đạt 7-10 tấn trà thành phẩm/tháng. Theo bà Trần Thị Xí ở thôn Tân Xuân Lai, rau má là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, dù có bị ngập chìm trong nước bạc, nhưng khi nước rút chỉ một thời gian ngắn lại mọc lên xanh tốt nhờ lượng phù sa lắng lại.

Tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân trở thành mục tiêu hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Trong đề án phát triển sản xuất của Quảng Thọ, các nguồn lực tạo ra sản phẩm hàng hóa được ưu tiên, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện theo hướng tập trung, chuyên canh, quy trình VietGAP. Ngay việc liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao BT7, NA6 lên đến hàng chục ha cũng đã mở hướng đi mới cho nông dân Quảng Thọ với sản lượng quy đổi bình quân đạt trên 75 - 80 tạ/ha. Nông dân đã chủ động trên đồng ruộng của mình khi xuất hiện nhiều mô hình phù hợp. Hoa cúc, đậu bắp, nưa… phát triển mạnh.

Các mô hình thực nghiệm cánh đồng lớn, hình thành một số mô hình sản xuất mới có hiệu quả đã được xây dựng. Ở thôn Niêm Phò có chăn nuôi heo thương phẩm; ở La Vân Thượng có nuôi heo, cá kết hợp và ở Phước Yên lại có trồng rau má, xây dựng vườn kiểu mẫu… Một số nông dân mạnh dạn chuyển đổi trồng cây trái vụ, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao như lạc, bầu, đậu bắp… Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo phát triển rộng khắp. Gần 100 hộ nghèo và cận nghèo của xã được hỗ trợ để xây dựng mô hình nuôi cá trắm cỏ và trồng lạc hữu cơ VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Minh Đệ, Trưởng thôn Niêm Phò, người dân ở đây cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên sông Bồ. Năm 2015, toàn xã có 300 lồng cá thì nay con số đó đã tăng gấp 3 lần. Chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi 16ha đất trồng lúa và màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm nguồn thức ăn cho cá. Mỗi hộ có khoảng 2 lồng cá, chủ yếu là cá trắm cỏ. Ông Trương Quang Hạ, thôn La Vân Hạ cho hay: Nhà tôi có 2 lồng cá. Vốn đầu tư ban đầu mua cá giống và lồng khoảng 10 triệu đồng, sau gần 2 năm, thu hoạch khoảng 50 triệu đồng/lồng.

Với cách làm giàu từ chuyển đổi cây trồng ở vùng quê “chiêm khê, mùa thối”, chắc chắn Quảng Thọ sẽ có những bước phát triển mới trong tương lai, xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của vị  Đại tướng tài ba Nguyễn Chí Thanh, được đồng bào cả nước ngưỡng mộ.

Theo Thừa Thiên Huế online