Hiểu đúng về bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore hay còn gọi là Melioidosis. Bệnh khó lây truyền từ người sang người và không mới nhưng nếu không hiểu rõ bệnh cảnh, người dân sẽ hoang mang, nhất là thời gian gần đây nhiều địa phương có thông tin cho rằng bệnh này có "vi khuẩn ăn thịt người".

Thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm nên việc phát hiện bệnh Whitmore ở Huế không khó

Chia sẻ thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, Melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

Loại vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất và trong nước. Do vậy, con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh không lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người nên không gây thành dịch.

Thông thường những người mắc bệnh là trường hợp thường xuyên làm nghề tiếp xúc với bùn đất, nước... Bệnh không loại trừ độ tuổi, giới tính và những người mắc các bệnh mạn tính, như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch… dễ mắc bệnh này hơn.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng như, sốt, nhiễm trùng không triệu chứng, viêm phổi, đau nhức các cơ khớp, xuất hiện những ổ áp xe dưới da và tại nhiều vị trí trên cơ thể nên dễ chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác, như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết... Trước đây các cơ sở y tế, nhất là tuyến tỉnh, huyện rất khó phát hiện bệnh này, nhưng hiện nay nhờ có nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm và  áp dụng sinh học phân tử, nuôi cấy vi sinh nên việc chẩn đoán nhanh, chính xác rõ ràng hơn.

Theo PGS.TS. Trần Xuân Chương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm, Trường ĐH Y dược Huế, người có nhiều năm nghiên cứu về bệnh này cho rằng, Melioidosis là bệnh ít gặp. Bệnh này đã được ghi nhận từ lâu tại các nước như Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Bắc Úc và một số khu vực khác. Ở Việt Nam phát hiện chúng vào những thập niên 50; đặc biệt, trong chiến tranh ở Việt Nam nhiều lính Mỹ đã mắc bệnh này.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một số bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh công bố về các ca nhiễm bệnh này. Khoảng 10 năm năm gần đây, bệnh Melioidosis có xu hướng xuất hiện ở khu vực miền Trung, như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... nhưng không nhiều, khoảng 50-60 trường hợp. Riêng ở Thừa Thiên Huế chỉ xuất hiện rải rác một vài trường hợp.

Bệnh này không có biểu hiện gì gọi là “ăn thịt người” như một số thông tin không chính xác trên báo chí thời gian vừa qua.

Công tác chẩn đoán bệnh Melioidosis dựa vào nuôi cấy vi khuẩn. Sử dụng môi trường thạch Ashdown’s chứa gentamicin cho phép chọn lọc sự phát triển của B.pseudomallei. Bệnh phẩm bao gồm máu, đàm, phết họng, phết trực tràng, phết tổn thương da và vết loét, dịch áp-xe. Khi phát hiện đúng bệnh, thì có phác đồ kháng sinh để điều trị khỏi bệnh.

Cục Y tế dự phòng thông tin, điều trị căn nguyên gây bệnh bằng sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei. Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng và các biến chứng kèm theo và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh. Đặc biệt, khi mắc bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, uống thuốc dự phòng trong khoảng thời gian từ 3- 6 tháng để đề phòng tái phát.

Để chủ động phòng bệnh Melioidosis, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh.

Đối với những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.

Theo Thừa Thiên Huế online