Giữ nguyên trạng, bảo tồn đình Phú Vĩnh

 Khi thực hiện quy hoạch dự án “Hạ tầng kỹ thuật khu định cư Bàu Vá giai đoạn 4”, đơn vị chủ đầu tư đã đề xuất phương án hạ giải đình làng Phú Vĩnh hơn trăm năm tuổi ở khu dân cư kiệt 40 đường Lịch Đợi (phường Phường Đúc, TP. Huế). Tuy nhiên, đây là ngôi đình có giá trị về kiến trúc, lịch sử cần được bảo tồn.

Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu định cư Bàu Vá giai đoạn 4 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 29/10/2016. Dự án này được thực hiện trên diện tích hơn 4,7 ha, với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng.

Trên diện tích của dự án này, có sự tồn tại của một đình làng cổ, theo kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao là đình Phú Vĩnh (trước đây có tên là đình Đệ Cửu, người dân địa phương thường gọi là đình Lịch Đợi). Phương án mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đã trình lên UBND tỉnh là sẽ thực hiện giải tỏa và thu hồi một phần đất của đình làng (chỉ để lại 1.500 m2), đồng thời tiến hành hạ cốt nền đình làng Phú Vĩnh xuống 4m để phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, UBND TP. Huế, Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị giữ lại nguyên trạng đình làng này để bảo tồn.

Đình Phú Vĩnh được xác định có giá trị về mặt văn hóa lịch sử, kiến trúc và tâm linh.

Qua khảo sát hiện trạng, Bảo tàng Lịch sử ghi nhận đình Phú Vĩnh nằm trong thửa đất có ký hiệu ODT 4/4319,4 thuộc tờ bản đồ số 41, lập năm 2010 do UBND phường Phường Đúc quản lý và sử dụng. Toàn bộ khuôn viên của đình có tổng diện tích 4319,4m2, bao gồm các công trình: trụ đăng, bình phong, la thành, đình và miếu thờ các vị có công. Nhìn chung, đình Phú Vĩnh đã xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ phần mái của đình bị hư hỏng, các án thờ, nội thất bên trong không còn (do các tộc họ di chuyển khi đình bị hư hỏng).

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết: “Tôi đã từng đi khảo sát ngôi đình này từ trước năm 1990 của thế kỷ trước. Lúc ấy, đình còn bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi ba chữ Hán “Phú Vĩnh đình” nhưng nay không còn nữa, các cặp câu đối nói lên tâm tư nguyện vọng của bà con trong phường về tình cảm đối với ngôi đình thì nay một số cặp đối có thể đọc được. Riêng phần mái đã bị sụp đổ từ trước năm 1990. Đình Phú Vĩnh có giá trị về mặt văn hóa lịch sử trên 100 năm, đề nghị chính quyền nên giữ lại toàn bộ kiến trúc, cảnh quan không gian của đình, cốt nền vẫn giữ nguyên như cũ, trùng tu lại phần mái, đẩy lùi không gian hoang phế...”. 

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Đình Phú Vĩnh là một công trình có giá trị văn hóa lịch sử, là kiến trúc cộng đồng, tâm linh của người dân, ngôi đình gắn liền với quá trình mở rộng đô thị Huế lần thứ nhất và lần thứ hai. Do vậy, ngôi đình cần được giữ nguyên trạng bao gồm đình, la thành, trụ biểu, nhà bia, bia đá... Các giá trị trên không được tháo dỡ, không hạ cốt nền, dựa trên các yếu tố gốc nhằm huy động các nguồn kinh phí để kịp thời gia cố, chống đỡ. Trước mắt cần có các giải pháp lợp mái để che chắn đình, hạn chế sự xuống cấp, hư hỏng”.

Nhà bia và bia đá còn khá nguyên vẹn ở đình làng.

Mới đây, Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức cuộc họp gồm đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan, các nhà nghiên cứu. Sau khi xác định cụ thể giá trị văn hóa, lịch sử đình Phú Vĩnh, Sở Văn hoá và Thể thao đã có báo cáo gửi lên UBND tỉnh kiến nghị bảo tồn ngôi đình. Đồng thời đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch, trong đó dành diện tích đất của các khu C8, C9 và C17 đến C22 để trồng cây xanh khu vực đình, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa khu quy hoạch dân cư và cảnh quan ngôi đình.

Hiện nay, đình Phú Vĩnh chưa được đưa vào danh mục bảo vệ và công nhận di tích, nhưng bản thân của nó đã có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cấu thành di tích. Do vậy, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND TP. Huế chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế, UBND phường Phường Đúc phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và các ban ngành chức năng nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng đình Phú Vĩnh là di tích lịch sử cấp tỉnh nếu đáp ứng các tiêu chí xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa để có cơ sở pháp lý bảo tồn và phát huy giá trị.

Đình Phú Vĩnh nằm ở phường Phường Đúc, TP. Huế. Đình được xây dựng dưới thời vua Thành Thái thứ 15 (1903), lúc đầu có tên là đình Đệ Cửu, thuộc tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà. Sở dĩ đình có tên là đình Đệ Cửu bởi lúc này đình nằm tại địa bàn phường Đệ Cửu, một trong 9 phường của thị xã Huế được thiết lập vào những năm đầu tiên trong lần mở rộng thị xã Huế, theo dụ của vua Thành Thái vào 22/6/1903 và được Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y vào ngày 3/7/1903. Năm Bảo Đại thứ 12 (1937), do đình Đệ Cửu xuống cấp nghiêm trọng, nên người dân trong phường đã xây dựng lại đình và đổi tên thành đình Phú Vĩnh.

Bài, ảnh: Minh Hiền