Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói về việc xây dựng bãi đỗ xe tại lăng vua Khải Định

Xung quanh vấn đề xây dựng bãi đỗ xe tại lăng vua Khải Định và một số vấn đề khác, ngày 6/12/2017,  ông Nguyễn Đắc Xuân đã viết thư gửi đến HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Để làm rõ thêm các vấn đề mà ông Nguyễn Đắc Xuân đề cập, phóng viên báo Ngàu mới đã có cuộc trao đổi với TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) về các vấn đề liên quan.

PVThưa ông, ngày 6/12/2017, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã gửi một bức thư lên HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế để nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng bãi đỗ xe tại lăng vua Khải Định , ông đánh giá về chuyện này như thế nào?

Ông Phan Thanh Hải:  Tôi đã đọc kỹ lá thư này, vì ông Nguyễn Đắc Xuân đã đăng tải toàn bộ thư lên trang facebook cá nhân của ông ấy. Qủa thật là tôi hơi ngạc nhiên về thái độ của ông Nguyễn Đắc Xuân và những phát ngôn thiếu căn cứ, cố tình quy kết, xúc phạm của ông ấy đối với Trung tâm và cá nhân tôi.

Tôi khẳng định là những vấn đề mà ông Xuân nêu lên về việc xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định, chúng tôi đã trả lời rất rõ ràng cho bản thân ông ấy và cho cả dư luận xã hội, không có chuyện tránh né, giấu diếm gì ở đây cả!

Ông Phan Thanh Hải ,GĐ trung tâm di sản cố đô Huế

Ông Phan Thanh Hải ,Giám đốc Trung tâm di sản cố đô Huế

Bản thân tôi đã đến gặp trực tiếp ông Xuân để giải thích tất cả những vấn đề mà ông Xuân nêu trong lá thư gửi tôi trước đó (ngày 27/7/2017). Sau đó, Trung tâm đã 2 lần gửi công văn trả lời ông Xuân (Công văn số 898/BTDT-DA ngày 28/7/2017 và Công văn số 1080/BTDT-DA ngày 14/9/2017) để giải đáp những thắc mắc mà ông Xuân tiếp tục nêu trong các thư từ, bình luận tiếp theo.

Đối với công luận, ngày 29/8/2017, tại cuộc gặp gỡ báo chí truyền thông nhân Quốc khánh 2/9, Trung tâm đã gửi đến các phóng viên, đại diện của các cơ quan truyền thông những thông tin đầy đủ về dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định, và giải đáp những vấn đề liên quan khi phóng viên đặt câu hỏi. Ngày30/10/2017, bản thân tôi đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Tầm nhìn về tất cả những vấn đề liên quan đến dự án này, đặc biệt là giải đáp những câu hỏi mà ông Xuân đã nêu lên trong các thư từ, bình luận trước đó. Tất cả những giải đáp này đều được đăng tải công khai trên các trang facebook và website của Trung tâm. Ngày 2 /11/2017, tại phiên họp của Hội đồng khoa học nghệ thuật của Trung tâm (không rõ vì sao ông Xuân không tham dự), chúng tôi lại một lần nữa báo cáo đến các thành viên Hội đồng những thông tin liên quan về dự án này.

Sau khi ông Xuân nêu lên chuyện xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định, chúng tôi cũng đã báo cáo đầy đủ các vấn đề liên quan đến lãnh đạo tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Công văn số 1083/BTDT-DA ngày 15/9/2017 gửi Bộ VH-TT&DL, Công văn số 1116/BTDT-VP ngày 25/9/2017, gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Công văn số 1134/BTDT-VP ngày 4/10/2017 gửi UBND tỉnh thừa Thiên Huế. Chính vì vậy, ngày 15/11/2017, Trung tâm đã có Công văn số 1254/BTDT-VP báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc giải quyết các kiến nghị của ông Xuân, công khai các thông tin đầy đủ trước dư luận. Và mới đây nhất, tại phiên họp chiều 8/12/2017 ) của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế có truyền hình trực tiếp (Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế) tôi đã trả lời rất rõ ràng về dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định.

Sơ đồ bãi xe Lăng Vua Khải Định

Sơ đồ bãi xe Lăng Vua Khải Định

PVNhư ông đã biết, trong lá thư gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Xuân nêu lên 3 vấn đề, trong đó nhấn mạnh về những sai lầm trong việc xây dựng bãi đỗ xe tại lăng vua Khải Định, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Phan Thanh Hải: Vấn đề mà ông Xuân nêu lên lần này cũng không có gì mới và tôi đã giải thích rất kỹ trong các trả lời trước đây. Ông Xuân có dẫn một bản trích lục cũ để cho rằng khu vực đang xây dựng bãi đỗ xe hiện nay vốn là đất thuộc về lăng vua Khải Định (dù là đất hoang, trống) và Trung tâm chúng tôi đã cố tình không đưa khu vực này vào đất di tích. Xin thưa, toàn bộ khu vực trên đã được khoanh vùng là đất di tích (khu vực II) và được các ban ngành từ địa phương đến trung ương tán thành, phê duyệt từ năm 1991. Việc xây dựng hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích là một quá trình lịch sử nhưng có thể nói các thế hệ những người làm công tác bảo tồn đã ý thưc rất rõ tầm quan trọng của công tác này nên từ năm 1991 chúng tôi mới có được tấm bản đồ trên. Đây cũng chính là bản đồ (cùng hồ sơ khoanh vùng di tích) trình lên Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO để đề nghị công nhận quần thể di tích cố đô trở thành Di sản thế giới. Xin nói rõ rằng, với bản đồ trên, phạm vi khoanh vùng bảo vệ lăng lớn hơn khá nhiều so với bản trích lục mà ông Xuân đã dẫn.

Ông Xuân cũng không hiểu rõ Luật Di sản văn hóa và những Công ước về di sản của thế giới mà Việt Nam đã tham gia, ông dẫn Điều 32 của Luật Di sản văn hóa để cho rằng, Trung tâm chúng tôi đã vi phạm Luật khi xây dựng bãi đỗ xe tại vị trí khu đất thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích. Đó chỉ là một cách hiểu, hoặc là thiển cận, hoặc cố tình cắt câu bẽ chữ để lái vấn đề theo cách suy diễn của ông Xuân.

Trên thực tế, cả trong Công ước về di sản thế giới (quy định về vùng lõi và vùng đệm) và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam (quy định về khu vực I và II) vẫn cho phép xây dựng những công trình thiết yếu phục vụ việc bảo vệ hay phát huy giá trị di sản trong khu vực II (hay vùng đệm), miễn là việc xây dựng đó không làm ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu và việc bảo vệ di sản đó một cách bền vững. Điều 32 Luật Di sản văn hóa, mục b ghi rõ: “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tich”.

Việc xây dựng các hạ tầng thiết yếu (hạ tầng cung cấp điện, nước, phòng chống sét, hỏa hoạn, thiên tai, đường đi đến, bãi đỗ xe…) đối với một di tích nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản ấy là hết sức cần thiết. Dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định là 1 trong 27 dự án thuộc danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và ban hành; dự án này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện và được các bộ ngành ở trung ương, các ban ngành cấp tỉnh phê duyệt, cấp phép đầy đủ (bao gồm hơn 60 thủ tục liên quan). Tôi xin nhấn mạnh đây là một dự án đầu tư công, được thực hiện rất bài bản, mọi quy trình thủ tục đều được thực hiện công khai, minh bạch.

PV: Một vấn đề nữa mà ông Xuân nêu trong thư là vấn đề quản lý, khai thác du lịch trong địa bàn khu di sản Huế hiện nay có nhiều bất cập, Trung tâm dường như chỉ quan tâm khai thác lợi ích từ các di tích, công việc trùng tu bảo tồn và nghiên cứu khoa học ít được quan tâm, có đúng vậy không thưa ông?

Ông Phan Thanh Hải: Tôi thấy rất lạ vì ông Xuân lại phát ngôn như vậy! Bản thân ông ấy là thành viên của Hội đồng khoa học nghệ thuật thuộc Trung tâm chúng tôi mà không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc như vậy về chức năng, nhiệm vụ và công việc của Trung tâm chúng tôi!

Trung tâm là một đơn vị sự nghiệp, được thành lập từ năm 1982, trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, và còn chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ VH-TT7DL, sự giám sát của UNESCO. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích cố đô Huế và các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan. Hiện nay Trung tâm được giao quản lý trực tiếp và phối hợp quản lý hơn 40 cụm/điểm di tích thuộc hệ thống di tích cung đình thời Nguyễn, đó là một nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề. Trong suốt 35 năm qua, các thế hệ những người làm công tác bảo tồn đã nỗ lực rất lớn để đưa quần thể di tích cố đô từ tình trạng đổ nát hoang tàn, ở bên bờ vực của sự quên lãng trở thành một di sản hàng đầu của Việt Nam, được thế giới công nhận và tôn vinh. Tuy vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng những thành quả mà Trung tâm đạt được là rất lớn. Vị thế, vai trò của Trung tâm đã được UNESCO, Chính phủ, các bộ ngành trung ương, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia… đánh giá cao và công tâm. Trung tâm cũng được đánh giá cao về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học ứng dụng. Trong nhiều năm qua Trung tâm liên tục nhận được giải thưởng về khoa học công nghệ của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Trung tâm có nhiều chuyên gia giỏi từng tham gia nhiều diễn đàn học thuật trong nước và quốc tế. Trung tâm cũng được đánh giá cao trong việc chủ trì tổ chức các hội nghị hội thảo khoa học quốc tế (mà ông Xuân cũng được mời tham dự một số cuộc). Vì vậy, những phát ngôn vô căn cứ của ông Xuân vừa rồi đã xúc phạm rất nặng nề đến Trung tâm và những thế hệ đã gắn bó với công tác bảo tồn di sản!

Cần nhấn mạnh là Trung tâm là một đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng 100% nguồn thu từ phí tham quan di tích đều nộp vào ngân sách nhà nước, do vậy nguồn thu càng tăng thì đóng góp cho ngân sách càng lớn. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 7 điểm mở cửa bán vé tham quan trên tổng số hơn 40 cụm/điểm di tích mà Trung tâm quản lý.

Về các hoạt động dịch vụ trong địa bàn khu di tích thì Trung tâm (Thông qua Trung tâm Phát triển dịch vụ- một đơn vị trực thuộc) chỉ làm nhiệm vụ thay mặt nhà nước thực hiện công tác quản lý, giám sát các hoạt động dịch vụ hiện nay được xã hội hóa 100% thông qua các hình thức đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định. Vì vậy, tôi không hiểu việc ông Xuân đề nghị giao chuyện khai thác du lịch trong khu di tích cho các doanh nghiệp là do ông ấy không hiểu hay có ý gì khác? Còn nếu nói việc khai thác du lịch là giao cho doanh nghiệp quản lý nguồn thu phí tham quan thì càng chứng tỏ ông Xuân không hiểu về luật pháp hiện hành, vì Luật Phí và lệ phí (có hiệu lực từ 1/1/2017) và Nghị định 109 (ban hành ngày 29/9/2017) quy định: Đơn vị quản lý di tích và thu phí tham quan từ di tích (đã được công nhận là Di sản thế giới) phải do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện!

Về công tác trùng tu bảo tồn các di tích thì có thể khẳng định chúng tôi thực hiện rất bài bản và ngày càng tốt hơn. Theo đánh giá của UNESCO, Trung tâm là một trong những đơn vị hàng đầu về trùng tu di sản hiện nay tại Việt Nam và trong khu vực. Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia sau chuyến khảo sát tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng từ ngày 21-24/9/2017 cũng đã đánh giá rất cao mô hình quản lý và hiệu quả của công tác trùng tu di tích do Trung tâm thực hiện (Báo cáo gửi Thủ tướng, số 10/BC-HĐSVHQG ngày 17/10/2017). Hiện nay, tất cả dự án trùng tu bảo tồn di tích hay xây dựng hạ tầng trong khu di sản Huế đều phải lập kế hoạch, xin chủ trương đầu tư và triển khai với sự phê duyệt của Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, của Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành địa phương, quy trình thủ tục rất chặt chẽ và phải nằm trong kế hoạch trung hạn (có thời hạn 5 năm). Vì vậy, việc ông Xuân nói Trung tâm xây dựng và xin phê duyệt hồ sơ dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định là “làm chui” là một ý kiến chủ quan, vô căn cứ, nếu không nói là một sự vu không trắng trợn và xúc phạm!

PVVậy còn vấn đề quản lý di tích điện Huệ Nam, vấn đề quan hệ với Nguyễn Phúc tộc của Trung tâm, ông nghĩ như thế nào?

Ông Phan Thanh Hải: Vấn đề quản lý hay không quản lý một di tích không phải do Trung tâm quyết định hay muốn là được, mà là do sự phân công của UBND tỉnh.

Điện Huệ Nam (hay điện Hòn Chén) là một di tích có lịch sử hình thành khá đặc biệt, vốn là một di tích dân gian, thờ đạo Mẫu, nhưng được các vua triều Nguyễn đặc biệt quan tâm, từ thời vua Đồng Khánh (1885-1888) thì việc tổ chức lễ hội tại đây đã được triều đình xếp vào hàng quốc lễ. Sau năm 1975, di tích này được giao cho đơn vị nhà nước quản lý. Chính vì vậy, khi lập hồ sơ công nhận di sản thế giới cho quần thế di tích cố đô Huế, điện Huệ Nam cũng được đưa vào hệ thống này, và trở thành 1 trong 16 cụm/điểm được UNESCO vinh danh năm 1993. Ông Xuân là nhà nghiên cứu thì lẽ ra phải hiểu rõ điều này. Cũng xin nói thêm, cho đến nay, Ban bảo trợ điện Huệ Nam chưa hề đóng góp để trùng tu bảo tồn di tích này, việc chăm sóc, giữ gìn và trùng tu di tích trên đều do Nhà nước thực hiện. Trong các năm 2016-2017, bằng nguồn vốn nhà nước và huy động xã hội hóa (thông qua kênh của Trung tâm), một số công trình tại đây như đền Quan Thánh, Trinh Cát Viện, am Ngũ Hành đã được trùng tu, còn ngôi điện chính thì đã lập xong các thủ tục dự án, nếu huy động được nguồn vốn (từ xã hội hóa) thì sẽ triển khai thực hiện trong năm 2018. Trung tâm sẵn sang bàn giao lại di tích này cho đơn vị/tổ chức nào quản lý, phát huy giá trị tốt hơn, nhưng là theo sự phân công của lãnh đạo tỉnh chứ không thể theo ý kiến chủ quan của cá nhân!

Đối với Nguyễn Phước tộc, từ trước đến nay Trung tâm luôn có quan hệ rất tốt, ông Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc được mời làm thành viên chính thức của Hội đồng khoa học nghệ thuật thuộc Trung tâm để có điều kiện tham gia giám sát, phản biện các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản và công tác quản lý di tích nói chung. Trung tâm cũng luôn tạo điều kiện để bà con trong dòng họ Nguyễn Phước được thường xuyên ra vào chăm sóc, thăm viếng lăng tẩm, điện thờ và các di tích của tổ tiên. Vấn đề này hơn ai hết, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc là người hiểu rõ và tôi nghĩ họ sẵn sàng nói rõ quan điểm chứ không thể suy đoán chủ quan như ý kiến ông Xuân.

PVÔng nghĩ thế nào về đề nghị của ông Nguyễn Đắc Xuân về việc phân cấp quản lý các di tích tại cố đô Huế hiện nay?

Ông Phan Thanh Hải:  Việc nêu ý kiến của một cá nhân là vấn đề bình thường, còn chuyện ý kiến đó có được tiếp thu, áp dụng hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết đó phải là một ý kiến đúng đắn, phù hợp.

Tôi cho rằng các ý kiến của ông Xuân trong trường hợp này chưa hợp lý, hợp luật.

Trước hết, việc phân loại các di tích hiện nay phải thực hiện theo Luật Di sản văn hóa (di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh) chứ không thể tùy tiện phân loại theo ý chí chủ quan của một cá nhân. Việc phân công quản lý di tích như thế nào cho phù hợp là việc làm của chính quyền các cấp để đảm bảo các di tích đó được bảo tồn, gìn giữ một cách bền vững và phát huy được giá trị vốn có của chúng. Trong điều kiện khó khăn của ngân sách hiện nay, xu hướng xã hội hóa nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản là xu hướng tất yếu và đã được Đảng và Nhà nước đề cập từ khá sớm. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do còn vướng nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp và còn do tâm lý ỷ lại Nhà nước của một bộ phận không nhỏ người dân, tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn các khu di tích vốn rất nhạy cảm… Vì vậy, những vấn đề mà ông Xuân nêu ra không mới mà còn không có cơ sở để thực hiện.

Xin nói thêm là ở Trung tâm chúng tôi, vấn đề xã hội hóa đã được nghiên cứu và triển khai từ nhiều năm trước, chẳng hạn vấn đề huy động nguồn lực từ xã hội cho việc trùng tu, bảo tồn các di tích (đạt được thành công tiêu biểu như ở các dự án trùng tu lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng, lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu, điện Hòn Chén, đàn Âm Hồn…), việc đấu thầu và tư nhân hóa hoàn toàn các hoạt động khai thác dịch vụ trong địa bàn khu di sản, nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát. Hiện nay, chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Trung tâm đang nghiên cứu, triển khai đề án đổi mới hoạt động của đơn vị và xã hội hóa nguồn lực trùng tu di tích và khai thác phát huy giá trị di tích.

Tuy nhiên, xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản không phải chỉ là huy động nguồn lực xã hội mà ở chiều ngược lại, còn phải đem di sản đến với cộng đồng, để di sản ấy thực sự là của cộng đồng, được cộng đồng chung tay bảo vệ. Ở khía cạnh này trong nhiều năm qua Trung tâm đã thực hiện rất tốt, nhất là việc tham mưu với lãnh đạo tỉnh ban hành những chính sách ưu đãi cho du khách, và đặc biệt là với cộng đồng địa phương. Chính vì vậy mà lượng khách đến thăm khu di sản Huế đã tăng lên rất nhanh (năm 2017 có khoảng 3 triệu lượt khách), sự quan tâm, hiểu biết của các tầng lớp Nhân dân đối với di sản của tiền nhân cũng ngày càng phát triển, mở rộng. Đó là một xu hướng rất tích cực và cũng chứng tỏ công tác bảo tồn di sản văn hóa của chúng ta đang đi đúng hướng.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Theo ngaymoionline.vn