Giá trị vùng đất ngập nước không chỉ để hưởng lợi

Ước tính vùng đất ngập nước nội địa và ven biển chiếm khoảng 30% diện tích đất liền của Việt Nam. Đa dạng sinh học của các vùng đất này có ý nghĩa toàn cầu và thúc đẩy một loạt các dịch vụ hệ sinh thái.Ở Thừa Thiên Huế, vùng đầm phá lớn nhất là hệ thống Tam Giang - Cầu Hai, dài hơn 67 km với diện tích xấp xỉ 21.600 ha, không chỉ là nơi sinh sống của nhiều loài sinh cảnh đặc biệt mà đây còn là vùng nuôi dưỡng và bảo vệ các loài thủy sản nước mặn, nước ngọt và nhiều loài chim.

 Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai không chỉ tạo sinh kế mà còn có giá trị to lớn về môi trường sinh thái

Từ lâu, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã tạo ra sinh kế và sản phẩm bền vững cho ngành nông nghiệp. Nguồn lợi thủy sản của hệ đầm phá là nguồn sống và thu nhập của 2/3 dân số ở khu vực xung quanh đầm phá. Thực phẩm và các sản phẩm liên quan từ hệ sinh thái đất ngập nước là một phần quan trọng trong các món ăn truyền thống của địa phương.

Không chỉ có giá trị cao về tài nguyên đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, giúp giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai như bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất ven biển; giúp duy trì chất lượng nước ở các sông hồ; lưu giữ nước; nạp nước ngầm; lưu trữ carbon; điều hòa khí hậu và kiểm soát dịch hại. Đây là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng: đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn.

Đất ngập nước cũng đóng vai trò bảo vệ bờ biển trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như triều cường hay mực nước biển dâng.

Tuy nhiên, do khai thác và sử dụng quá mức, chưa hợp lý cùng với ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng đã đe dọa tính bền vững của vùng đất ngập nước.

Việc lồng ghép bảo tồn đất ngập nước vào trong những sinh cảnh rộng lớn hơn đem lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế, xã hội cho rất nhiều người dân đang sinh sống trong những sinh cảnh liên kết xung quanh khu bảo tồn đất ngập nước phá Tam Giang - Cầu Hai.

Sự can thiệp của dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” tại hai tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên Huế do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua UNDP tài trợ thực hiện từ năm 2016 đến nay đã thể hiện nỗ lực bảo đảm sự đa dạng sinh học quan trọng trong khu đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, chẳng hạn như phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, ngập ngọt quan trọng ở lưu vực sông, bãi đẻ cá, đàn chim di cư từ nơi khác và các thành phần khác có ý nghĩa quan trọng để duy trì sự toàn vẹn sinh thái của khu bảo tồn đất ngập nước.

Những hoạt động khác của dự án như cải thiện phương pháp đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, trồng lúa đã giúp nâng cao sản xuất và tốt cho sức khỏe người dân địa phương, giảm các tác động môi trường tiêu cực như ô nhiễm, cải thiện và duy trì chất lượng nguồn nước đảm bảo cho các khu đất ngập nước.

Mục tiêu dự án hướng đến chính là mong muốn thúc đẩy sinh kế bền vững, nhất là đối với người dân có cuộc sống gắn với khu vực đất ngập nước. Một khi sinh kế bền vững không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn nêu cao vai trò chủ thể của chính họ trong việc thực hiện bảo tồn đất ngập nước, khai thác và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trong sinh hoạt và sản xuất.

Theo Thừa Thiên Huế