Gia tăng tội phạm trộm xe máy do… chủ quan

Khi bị bắt giữ, một số đối tượng trộm cắp xe máy khai nhận, do nhận thấy trên địa bàn Thừa Thiên Huế, người dân rất lỏng lẻo, chủ quan trong việc trông coi, bảo vệ xe máy, thậm chí dựng xe trên vỉa hè, ở nơi vắng mà không rút chìa khóa, nên bàn nhau chọn Huế làm “bãi đáp” trộm cắp xe máy.

Công an bắt giữ một đối tượng trộm xe máy

Bắt giữ hàng chục đối tượng gây ra hơn 100 vụ trộm xe máy

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt khẩn cấp hai đối tượng gồm Lê Văn Huy (19 tuổi, trú tại khu định cư Phú Hiệp) và Lê Đắc Đại (20 tuổi, trú tại đường Thái Phiên) cùng địa bàn TP. Huế, gây ra 15 vụ trộm cắp xe máy. Theo kết quả điều tra, Huy và Đại thường đi xe máy đến các khu vực trung tâm, nếu phát hiện xe máy sơ hở không có người trông coi sẽ sử dụng vam phá khóa xe máy để trộm. Chỉ trong vòng 20 ngày, các đối tượng này đã thực hiện trót lọt 14 vụ trộm cắp xe máy ở TP. Huế và 1 vụ tại Quảng Bình. Sau khi lấy trộm xe, các đối tượng thay biển số giả rồi đem cất giấu, tìm cơ hội tiêu thụ trong địa bàn tỉnh hoặc chuyển đi ngoại tỉnh bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.   

Trước đó, Công an TP. Huế cũng bắt giữ Lê Gia Huy Rơn (35 tuổi, trú tại Phước Hiệp, TP. Hồ Chí Minh), gây ra nhiều vụ trộm xe máy trên địa bàn. Qua đấu tranh khai thác, Rơn khai nhận khoảng giữa tháng 8/2017, Rơn từ TP. Hồ Chí Minh ra tạm trú tại phường An Tây, TP. Huế. Sau một thời gian tạm trú, Rơn phát hiện nhiều người dân để xe máy sơ hở ở nơi vắng vẻ, không khóa cổ và có khi không rút chìa khóa ra khỏi xe nên đã ra tay trộm 6 xe máy trên địa bàn với tổng giá trị định giá trên 112 triệu đồng.

Trước thực trạng trộm cắp xe máy ngày càng gia tăng, lực lượng công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ngoài việc chủ động đấu tranh, triệt xóa các băng, nhóm “đá xế” chuyên nghiệp còn tích cực tuyên truyền, vận động để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.

Theo số liệu của cơ quan công an, thời gian qua, hàng chục đối tượng gây ra hơn 100 vụ trộm xe máy đã bị bắt.  

Người dân không nên chủ quan, mất cảnh giác

Là địa phương có tỷ lệ đấu tranh khám phá băng nhóm trộm cắp xe máy đạt hiệu quả cao, Thượng tá Võ Văn Sáu, Phó trưởng Công an TP. Huế đã định dạng rõ một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng chuyên “đá xế”. Các đối tượng thường sử dụng xe máy đi lang thang đến các khu dân cư, nhà trọ, nhà cho thuê... tìm tài sản sơ hở trộm cắp. Khi phát hiện “mục tiêu”, một tên nổ máy chờ sẵn cảnh giới để đồng bọn đột nhập phá ổ khóa trộm xe. Sau khi “ăn hàng” thành công, chiếc nào có giấy tờ và thuộc nhóm hàng có giá trị cao thường được mang đến hiệu cầm đồ cầm cố; chiếc nào có giá trị thấp thì tháo rời bán linh kiện.

Theo Thượng tá Đinh Xuân Đại, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, hiện nay, tội phạm chủ yếu lợi dụng người dân mất cảnh giác trong việc quản lý tài sản ở những thời điểm nhạy cảm như giờ ngủ trưa, chạng vạng tối để gây án. Để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý loại tội phạm này, lực lượng công an đã tập trung tối đa lực lượng, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ đấu tranh với các đối tượng trộm cắp tài sản; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh trấn áp, tiến tới làm giảm đến mức thấp nhất tội phạm và điều kiện phát sinh loại tội phạm này.

Để tránh bị trộm xe, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ý thức bảo vệ, quản lý tài sản của chủ sở hữu. Cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong việc phát động phong trào quần chúng đấu tranh, phòng chống tội phạm, kịp thời thông tin phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân biết, chủ động phòng ngừa.

Bài, ảnh: Thái Sơn