Gắn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

 

Sáng 18/8, sau khi khảo sát, kiểm tra các điểm di tích trên địa bàn TP. Huế và TX. Hương Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu về cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm giải quyết được vấn đề quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (đứng giữa) đề nghị quan tâm đến giao thông tại các điểm di tích

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đoàn công tác đã đến hiện trường một số di tích ở nội thành như: Bảo tàng cách mạng, Đền Xã Tắc, khu số 2 Đoàn Thị Điểm và 50 Nguyễn Chí Diễu; các di tích Văn Thánh, Võ Thánh, Hổ Quyền và lăng vua Gia Long…

Đến nay, toàn tỉnh có 7 di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; có 87 di tích cấp quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở các điều luật và các văn bản của Bộ, ngành, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các quy hoạch, đề án, quyết định nhằm triển khai, thực hiện và cụ thể hóa các nội dung để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu sớm đưa Văn Thánh thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế-Phan Thanh Hải cho biết, trong hoạt động quản lý di sản, đơn vị đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, Tp. Huế và các sở, ban ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích. Nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được phân cấp quản lý, lập hồ sơ xếp hạng và đầu tư tu bổ, tôn tạo. Trong đó, đã tiến hành giải tỏa hàng trăm hộ dân để cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đã có nhiều công trình kiến trúc được trùng tu.  

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Tuy vậy, công tác này vẫn chưa như kỳ vọng, chưa tương xứng; sự đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa Huế còn thấp, du lịch phát triển nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Bảo tàng lịch sử cách mạng cần quản lý, bảo quản tốt hiện vật trước khi chuyển về nơi mới

Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên những vấn đề cần được giải quyết như: cơ chế đặc thù và chính sách cho di sản Huế; nguồn lực tài chính để bảo vệ và phát huy di sản; mô hình quản lý di sản Huế hiện nay. Các về vấn đề khác như quy hoạch lại khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản Huế; giải tỏa dân cư và quy hoạch lại dân cư ở khu vực Kinh thành Huế; công tác kiểm kê và bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của Huế cũng phải được nhìn nhận tích cực để giải quyết tốt bài toán giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hệ thống di sản, di tích của Huế là rất lớn, đây chính là tiềm năng cho phát triển du lịch; nhìn tổng thể, tỉnh vẫn còn lúng túng giữa bảo tồn và phát triển, chưa có sự liên kết và gắn kết giữa các vùng di sản cũng như địa phương trong vùng để phát huy giá trị của di sản cho phát triển du lịch... Vì vậy, cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu về cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm giải quyết được vấn đề bảo vệ, bảo tồn di sản Huế. 

Thăm công trình trung tu, cải tạo lăng Gia Long, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu đảm bảo tính hài hòa giữa kiếm trúc và cảnh quan

Về những vấn đề cần chú trọng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu ngành di tích và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải có sự phối hợp trong vấn đề quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của hệ thống di sản. Đối với các dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, cần nghiên cứu để có phương án tối ưu, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm ổn định đời sống cho người dân.

Với di tích Văn Thánh và Võ Thánh, ngành di tích cần sớm quy hoạch, xây dựng hệ thống tường rào bảo vệ. Trước mắt, khi chưa có nguồn vốn đầu tư thì ưu tiên chỉnh trang khuôn viên, trồng cây xanh, cây cảnh tại các điểm này. Tranh thủ nguồn vốn, phải khởi động cho được việc trùng tu Văn Thánh và Võ Thánh- tạo thêm những điểm đến du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại lăng Gia Long

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành giao thông tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, mở rộng đường đến các di tích tạo điều kiện phát triển du lịch. Nghiên cứu cơ chế cho giao thông ở nội thành, có thể hạn chế phương tiện trên một số tuyến. Quan tâm đầu tư hệ thống giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ở các di tích.  

Tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa nhằm đảm bảo cho việc giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, thời gian tới, ông sẽ dành ngày thứ 7 để đi kiểm tra theo chuyên đề, có hướng chỉ đạo kịp thời các lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Theo Thừa Thiên Huế