Dự báo xu hướng cạnh tranh nước lớn tại tiểu vùng Mekong

 

Tiểu vùng Mekong có vị thế chiến lược đối với an ninh, hợp tác phát triển của các quốc gia trong khu vực; giữ vị trí quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Mỹ. Do vậy, các nước lớn đang không ngừng điều chỉnh chính sách để gia tăng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình ở Tiểu vùng. Đứng trước bối cảnh trên, các nước trong Tiểu vùng, trong đó có Việt Nam, cần nắm bắt sát sao xu hướng và những điều chỉnh chính sách của các nước lớn để hoạch định chính sách phát triển đất nước một cách chủ động, bền vững.

Bài viết của PGS, TS Thái Văn Long, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3/2018

Tiểu vùng Mekong là dự án lớn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ năm 1992, nhằm giúp các quốc gia trong vùng này quản lý việc phát triển kinh tế và môi trường. Chiến tranh Lạnhkết thúc, Tiểu vùng Mekong trở thành một khu vực địa kinh tế, địa chính trị quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, là mục tiêu hợp tác lýtưởng đối với các cường quốc.Nhưng, hiện nay, môi trường an ninh khu vực còn bất ổn, như: vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; cuộc chiến sắc tộc và tôn giáo; khủng bố và ly khai; vũ khí hủy diệt; tranh chấp Biển Đông… Trong khi, sức mạnh của Mỹ suy giảm tương đối, các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, South Africa (BRICS)) xuất hiện làm thay đổi tương quan so sánh giữa các nước lớn cả tầm toàn cầu và khu vực. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới (2010), cạnh tranh Trung – Mỹ trở thành chủ đạo trong cục diện khu vực và thế giới.Có thể khẳng định, trong những năm sau 2020, Tiểu vùng Mekong sẽ càng thu hút sự quan tâm và gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn. Các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách để gia tăng và bảo vệ lợi ích của mình ở Tiểu vùng này, còn các nước trong Tiểu vùng cần theo dõi sát sao, nắm bắt xu hướng cũng như nội dung điều chỉnh chính sách của các nước lớn để hoạch định đối sách hợp tác, phát triển của mình.

1. Cơ sở dự báo

Thứ nhất, từ vị thế chiến lược của Tiểu vùng đối với an ninh, hợp tác, phát triển của các quốc gia trong khu vực

Sông Mekong dài 4.800 km, lớn thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), chảy qua các nước: Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và đổ ra Biển Đông. Hạ lưu sông Mekong được tính từ vùng “tam giác vàng” là vùng ranh giới giữa Thái Lan, Myanma và Lào, chiếm tới 77% tổng diện tích lưu vực. Châu thổ sông Mekong là vùng ngập lụt tính từ hạ lưu Kratie (Campuchia) có diện tích 49.520 km2, trong đó diện tích châu thổ thuộc Việt Nam là 39 nghìn km2, chiếm 79%. Lưu lượng sông Mekong tương đương với sông Mississippi (Mỹ), giàu phù sa, thay đổi với hai mùa mưa nắng. Sự đa dạng sinh học của sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau sông Amazon. Tài nguyên lưu vực sông Mekong có thể nuôi dưỡng 70 triệu cư dân. Chỉ tính riêng nguồn cá, sông Mekong đã đem lại hơn 2 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho các nước trong lưu vực. Tiểu vùng Mekong có vị trí địa lý đặc biệt, kết nối với các thị trường lớn và các nền kinh tế năng động của châu Á, như: Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Với các lợi thế như vậy, Tiểu vùng Mekong có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất – tiêu dùng của ASEAN và là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng vai trò cầu nối giao thông, thương mại, đầu tư giữa các nước phía Đông với phía Nam châu Á. Các nước tiểu vùng sông Mekong cũng đang trở thành điểm đến đầu tư và hợp tác của nhiều nước lớn trên thế giới.

Sự sôi động của lưu vực sông Mekong bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX khi các nền kinh tế mới nổi trong khu vực và một Trung Quốc đang trỗi dậy đứng trước cơn khát năng lượng phục vụ nhu cầu tăng trưởng nóng. Thủy điện trở thành tâm điểm của đầu tư, cả chính phủ và khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số trong lưu vực và biến động giá cả lương thực trong những năm gần đây đã thúc đẩy các quốc gia đầu tư mạnh mẽ hơn cho cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Vì thế, lưu vực sông Mekong đang chứng kiến xu thế cạnh tranh, tâm điểm là việc sử dụng nguồn nước của mỗi quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển của riêng mình đi đôi với những hậu quả và thách thức tiềm tàng cho các quốc gia khác. Tại Hội nghị Cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất (tháng 4-2010) tại Hủa Hỉn, Thái Lan, các bên liên quan đã đưa ra “Tầm nhìn của lưu vực sông Mekong: Một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường”(1).Tiểu vùng Mekong kết nối 6 quốc gia bên bờ sông thành một cộng đồng với tương lai chia sẻ bình đẳng, chân thành, hỗ trợ lẫn nhau. Đó là lý do các quốc gia đề xuất đặt tên sông là “Dòng sông Mekong – Lan Thương”. Và khuôn khổ hợp tác của Mekong – Lan Thương (LMC) đã hình thành tại cuộc họp lãnh đạo cấp cao lần đầu tiên vào năm 2016. Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC) lần thứ 2, diễn ra ngày 10-1-2018 tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã đưa ra những vấn đề quan trọng đối với sự hợp tác phát triển kinh tế – xã hội của các nước tiểu vùng, thực hiện tốt hơn an sinh cho người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia nhằm ủng hộ việc xây dựng cộng đồng ASEAN và thúc đẩy hợp tác Mekong – Lan Thương để đóng góp hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững. Đây là tiền đề để các quốc gia sở tại cũng như các nước lớn liên quan nắm bắt, làm cơ sở cho những định hướng điều chỉnh chính sách với tiểu vùng này.

Đặc biệt, Tiểu vùng Mekong còn giữ vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Mỹ mới công bố tại Hội nghị APEC 2017. Khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương” có không gian giới hạn bởi tứ giác bốn đỉnh: phía Tây là Ấn Độ, phía Đông là Hawai (Mỹ), phía Nam là Australia và phía Bắc là Nhật Bản. Đối với Ấn Độ, cấu trúc Ấn Độ – Thái Bình Dương phản ánh vai trò là một cường quốc đang nổi lên. Với Mỹ, mô hình này phản ảnh vai trò ảnh hưởng và trách nhiệm với khu vực. Với Nhật Bản, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc chủ đạo ở Đông Á. Với Australia, mô hình này chứng tỏ quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, bảo đảm sự cân bằng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương(2). Trong thời gian tới, để hướng tới sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong bảo đảm an ninh khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do”, liên minh bộ tứ Nhật – Mỹ – Ấn Độ và Australia sẽ được mở rộng hơn nhiều(3). Các nước sẽ điều chỉnh chính sách mạnh hơn nữa đối với tiểu vùng Mekong để thích ứng với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Thứ hai, từ triển vọng tốt đẹp của hợp tác Tiểu vùng sông Mekong

Từ năm 2016 đến nay, Hợp tác Mê Kông – Lan Thương (LMC) đạt được tiến triển trên 3 mặt:

Cơ chế xây dựng ngày càng hoàn thiện. Cơ chế đối thoại từ Hội nghị Cấp cao; cuộc họp của các Ngoại trưởng; cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) được hình thành. Hiện tại, 6 nước đã thành lập Ban thư ký – cơ quan điều phối, thành lập 6 tổ công tác liên quan tới các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, các trung tâm hợp tác nguồn tài nguyên nước, hợp tác môi trường sông Mekong – Lan Thương, trung tâm nghiên cứu sông Mekong toàn cầu được liên tiếp thành lập và triển khai hợp tác.

Các hạng mục hợp tác nhanh chóng được triển khai.Hội nghị lần thứ nhất đã xác định 45 dự án thu hoạch sớm, tiến hành đúng kế hoạch, hoàn thành hoặc tiến triển tốt. Sau đó, hình thành và triển khai thêm hơn 100 dự án mới nữa.

– Thu xếp vốn các dự án.Trung Quốc đã thiết lập quỹ hợp tác cho cơ chế này với 132 dự án được thẩm định. 10 tỷ Nhân dân tệ vốn vay ưu đãi đã thực hiện được 2/3. 5 tỷ USD cho dự án hợp tác năng lực sản xuất được hoàn thành trước thời hạn xếp vốn. 5 tỷ USD cho vay ưu đãi xuất khẩu bên mua cũng đang được thực hiện có hiệu quả(3).

Như vậy là, LMC bắt nguồn từ sự phát triển mạnh dọc sông, đã trở thành khuôn khổ hợp tác tiểu vùng có tiềm năng. LMC đã trở thành một bộ phận cơ bản của hợp tác khu vực không chỉ có lợi cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy hội nhập ASEAN mà còn làm phong phú thêm Hợp tác Nam – Nam và những nỗ lực nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế toàn diện, cởi mở, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia tham dự.

2. Xu hướng điều chỉnh chiến lược của một số nước lớn đối với Tiểu vùng Mekong đến năm 2025

Nhật Bản

Đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược cả về ngoại giao, an ninh và kinh tế nhằm bảo đảm vai trò và vị thế tại khu vực và trên thế giới, Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao để phục vụ tăng trưởng bền vững khu vực sông Mekong, hợp tác phát triển cùng với Tiểu vùng Mekong trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Tháng 5-2015, Thủ tướng S. Abe đã cam kết Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy đầu tư hạ tầng ở châu Á, với việc tăng khoảng 30% đầu tư trong 5 năm tới lên đến 110 tỷ USD(4). Điều này cho thấy, Nhật Bản muốn khẳng định rõ vị thế của mình trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực. Nhật Bản hy vọng sẽ tạo nên sự khác biệt với Trung Quốc xung quanh vấn đề phát triển hạ tầng khu vực, bằng cách thúc đẩy kỹ thuật và công nghệ thân thiện môi trường của nước này.

Bên cạnh đó, với chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản (2017) của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, khả năng cao là ông Abe sẽ được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong năm 2018 và giữ chức vụ thủ tướng đến năm 2021. Nhật Bản và Mỹ sẽ phối hợp thực hiện chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương với ba mục đích cụ thể, liên quan chặt chẽ: cạnh tranh với Trung Quốc, mong muốn các nước ASEAN nhận thức rõ chiến lược này, kêu gọi hợp tác với Ấn Độ và Australia. Nhật Bản cũng thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy các hoạt động vì hòa bình và ổn định ở khu vực, bao gồm: nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước duyên hải ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, giải quyết vấn đề khủng bố, cướp biển. Xu hướng điều chỉnh chiến lược với khu vực của Nhật Bản đem lại  cả thuận lợi và thách thức cho hợp tác ở Tiểu vùng Mekong.

Mỹ

Những kết nối của Mỹ với các tổ chức tài trợ, như: ADB và WB (thông qua cơ chế Friends of the Mekong) có ý nghĩa quan trọng. Hợp tác Mỹ – Mekong đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho các nước tiểu vùng. Các sáng kiến hợp tác Mỹ – Mekong đã góp phần chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Mỹ hoạt động trong lưu vực và với chính quyền các nước nằm ở lưu vực Mekong. Vai trò mang tính xây dựng của Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy các quốc gia trong lưu vực cùng hợp tác phát triển, hướng đến việc xây dựng “Tiêu chuẩn Mekong”. Thực tế hợp tác của Mỹ với Tiểu vùng Mekong những năm qua cho thấy, Mỹ có thể tạo điều kiện hình thành một diễn đàn tập hợp các bên liên quan và áp dụng các công nghệ mô hình hóa tiên tiến, các kỹ thuật đánh giá lợi ích – chi phí xã hội, môi trường nhằm tạo ra những tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường đi liền với cơ sở hạ tầng, nguồn nước. Mỹ tiếp tục chia sẻ công nghệ và hỗ trợ thúc đẩy các giải pháp khu vực, nhằm giải quyết nhu cầu về năng lượng, thực phẩm và an ninh cho các nước Tiểu vùng Mekong. Xu hướng điều chỉnh chính sách của Mỹ sẽ giúp các nước sở tại khắc phục được nhiều thách thức, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng, thủy điện. Sự phát triển ngành công nghiệp thủy điện luôn đi liền với những tác động trái chiều, liên quan đến môi trường, an ninh lương thực, an ninh con người… Trong khi đó, các nước này lại chưa có điều kiện đầy đủ để quan tâm tới những tác động xấu về môi trường và kinh tế – xã hội. Vốn và công nghệ hiện đại của Mỹ trở thành cứu cánh quan trọng, không chỉ giải quyết khó khăn mà còn góp phần làm nên “một tinh thần Mekong” hướng tới sự phát triển bền vững, sôi động của khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Mặt khác, Mỹ sẽ khắc phục xu hướng không được liên tục và nghiêng về quan hệ song phương trong quan hệ với các nước Tiểu vùng Mekong. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố cuối năm 2017 đã xác định rõ, cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra quyết liệt ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Philippines và Thái Lan vẫn là đồng minh và là thị trường quan trọng của Mỹ. Việt Nam, Indonexia, Malaixia và Singapore đang phát triển thành các đối tác an ninh và kinh tế của Mỹ. ASEAN và APEC vẫn là những trung tâm của cấu trúc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và là nền tảng thúc đẩy trật tự dựa trên tự do(5). Các nước trong Tiểu vùng Mekong cũng có thể hưởng lợi từ các quan hệ hợp tác song phương, đa phương do Mỹ dẫn dắt tại châu Á.

Trung Quốc

Vừa có tỉnh Vân Nam nằm trong lưu vực sông Mekong, vừa là nước lớn đang có nhu cầu thúc hợp tác sâu rộng hơn với các nước Tiểu vùng Mekong nhằm thúc đẩy triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của mình, Trung Quốc đã chủ động thâm nhập, xây dựng “luật chơi mới” có lợi cho mình. Hội nghị cấp cao Mekong – Lan Thương lần thứ 1 diễn ra vào ngày 23-3-2016, tại Trung Quốc, có sự tham gia của lãnh đạo 5 nước (Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Myanmar), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố viện trợ khoảng 50 tỷ USD để đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khuôn khổ Mekong – Lan Thương. Trong khi đó tại Tiểu vùng này đã có một tổ chức được thành lập từ rất lâu là Ủy ban Sông Mekong, có cùng một mục đích như Trung Quốc, bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Tháng 1-2018, Trung Quốc và 5 quốc gia dọc sông Mekong ký Tuyên bố chung về sự hợp tác Lan Thương – Mekong, nhằm hợp tác phát triển toàn bộ sáu quốc gia dọc sông này.

“Trung Quốc đã từ chối gia nhập Ủy ban sông Mekong, nơi có mục đích bảo đảm những vấn đề về an sinh cho dân chúng khu vực vì sợ rằng Ủy ban này sẽ có quyền bắt Trung Quốc phải tuân thủ”(6). Còn cơ chế hợp tác Mekong – Lan Thương tuy mới được thành lập nhưng có vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các nước láng giềng trong khu vực, đồng thời cơ chế hợp tác này phù hợp với những mục tiêu trong Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Mặt khác, Lan Thương – Mekong còn là sáng kiến để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á lục địa, các nước dọc hạ lưu sông Mekong. Đây cũng là cách mà Trung Quốc cạnh tranh với Nhật Bản khi Nhật Bản có sáng kiến – Tiểu vùng Mekong mở rộng (Great Mekong Subregion -GMS). Chương trình này được ADB trợ giúp từ năm 1992. Để thực hiện tốt hơn nữa Sáng kiến chiến lược của mình, tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ hai, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố, quốc gia này sẽ cung cấp thêm 7 tỷ NDT (1,08 tỷ USD) dưới dạng các khoản vay ưu đãi chính phủ trong cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương; thiết lập mức tín dụng tối đa trị giá 5 tỷ USD, nhằm hỗ trợ tăng năng suất và hợp tác sản xuất giữa các quốc gia thành viên trong cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương(7).

Bên cạnh những thuận lợi, sự thâm nhập này cũng đem lại những quan ngại lớn. Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát Tiểu vùng Mekong thông qua Diễn đàn Hợp tác Lan Thương – Mekong, đồng thời cố gắng xoa dịu các nước ở hạ lưu dòng sông bằng những khoản đầu tư và viện trợ. Một khi xác lập được vai trò dẫn dắt và ảnh hưởng tại Tiểu vùng, Trung Quốc sẽ đặt những lợi ích riêng của họ lên trên những hợp tác có ý nghĩa đối với các quốc gia thành viên. Thực tế cho thấy, đến nay các công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào nhiều dự án đập thủy điện, nhưng không tiến hành đánh giá các tác động môi trường và xã hội toàn diện, hậu quả là các nước liên quan sẽ phải gánh chịu những tác động tiêu cực. Những động thái này đang đòi hỏi các nước vừa và nhỏ trong Tiểu vùng phải theo dõi sát sao, đẩy mạnh vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ lợi ích chung cũng như lợi ích riêng của mình.

Ấn Độ

Ngày 5-10-2014, Chính phủ Ấn Độ do đã chuyển từ Chính sách Hướng Đông sang Hành động hướng Đông, xem thúc đẩy hợp tác với Tiểu vùng Mekong là bước đầu tiên cho chính sách Hành động hướng Đông. Ấn Độ đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác với khu vực. Tháng 7-2017, Ấn Độ thông qua kế hoạch trị giá 256 triệu USD nâng cấp tuyến đường dài 1.360 km nối giữa Đông Bắc Ấn Độ với Myanmar, tới Mae-Sot, Thái Lan và về phía Đông Nam Á. “Quyết định của Ấn Độ khởi động lại kế hoạch nâng cấp con đường quốc lộ trên đánh dấu giai đoạn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng chiến lược trong khu vực”(8). Từ năm 2015 đến 2017, Ấn Độ đã ký số hợp đồng trị giá hơn 4,7 tỷ USD để phát triển các con đường ở biên giới.

Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Sông Hằng (MGC) lần thứ 8 diễn ra ở Manila (Philippin), tháng 8-2017 nêu rõ: “cần phải tăng cường nỗ lực hướng tới việc thúc đẩy kết nối giữa Ấn Độ và khu vực tiểu vùng sông Mekong, nhất trí thành lập Nhóm làm việc chung MGC để tìm kiếm các cách thức tăng cường vận tải hàng hóa trên biển và kết nối trên đất liền giữa các nước MGC, trong đó có việc mở rộng đường cao tốc 3 bên (Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan) sang Campuchia, Lào và Việt Nam, đồng thời kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hành lang kinh tế duyên hải phía Nam với tiểu lục địa Ấn Độ. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh đề xuất của Ấn Độ chủ trì Hội nghị cấp cao kết nối ASEAN – Ấn Độ diễn ra vào cuối năm 2017 để tạo thêm động lực nhằm tăng cường hợp tác giữa các đối tác MGC”(9). Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã thống nhất với Bộ trưởng ngoại giao các nước MGC sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên đã thống nhất (nông nghiệp, du lịch, văn hóa và giao thông) như: khẩn trương đưa vào hoạt động nhóm công tác về dự án bảo quản các giống lúa; thành lập nhóm công tác về giao thông để xây dựng các biện pháp tăng cường kết nối đường bộ, đường không và đường biển; xây dựng “Đường mòn Phật giáo” qua các nước MGC và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan du lịch các nước MGC. Tiếp tục nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới nhằm củng cố liên kết kinh tế và phát huy tiềm năng thương mại và đầu tư giữa các nước Tiểu vùng Mekong với Ấn Độ. Một số nội dung hợp tác mới được đề xuất gồm: phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ (MSMEs); tổ chức Hội nghị thượng định MSMEs toàn cầu; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp MGC; tổ chức Diễn đàn Kinh doanh MGC thường niên, Diễn đàn đầu tiên tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 1-2018; nghiên cứu triển khai hợp tác về y tế, đặc biệt là trong phòng chống bệnh sốt rét(10)

Ấn Độ đã và đang thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng của mình tại châu Á nói chung và Tiểu vùng Mekong nói riêng nhằm cạnh tranh với Trung Quốc về phạm vi ảnh hưởng tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Các nước Đông Nam Á cũng như các nước thuộc Tiểu vùng Mekong đang bám sát chặt chẽ và cẩn trọng những điều chỉnh chiến lược cùng “độ nóng” của sự cạnh tranh giữa 2 cường quốc này tại khu vực để tìm ra những đối sách thích ứng.

3. Một số kịch bản

Chính sách của các nước lớn đối với Tiểu vùng Mekong đến năm 2025 có thể diễn ra theo 3 kịch bản sau:

– Kịch bản 1: Do tính cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích giữa các nước lớn (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ với Trung Quốc) tại Tiểu vùng Mekong ngày càng gia tăng, thậm chí có thể xảy ra xung đột dẫn đến những tác động tiêu cực cho khu vực Đông Nam Á, Tiểu vùng Mekong, trong đó có Việt Nam.

Từ năm 2018 trở đi, cấu trúc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương định hình rõ nét với vai trò lớn hơn của tứ giác (Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Austraylia) sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc dẫn đến xung đột tại Tiểu vùng Mekong.

– Kịch bản 2: Tính hợp tác trong quan hệ giữa các nước lớn có xu hướng nổi trội hơn ở Tiểu vùng Mekong tác động tích cực đến khu vựcĐông Nam Á, Tiểu vùng Mekong, trong đó có Việt Nam.

Đến năm 2025 Trung Quốc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thành công, vượt Mỹ về kinh tế, nhu cầu hợp tác theo “sân chơi và luật chơi mới” ở Tiểu vùng Mekong tăng lên.

Hợp tác Mỹ – Nhật Bản- Ấn Độ- Trung Quốc tiến triển theo hướng tích cực. Các nước lớn này đều nhận thức đúng vai trò và trách nhiệm nước lớn của mình trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác cùng các nước lớn khác thúc đẩy tiến trình cải cách và mở rộng vai trò của các Diễn đàn hợp tác tại Tiểu vùng Mekong, gia tăng giao lưu, chia sẻ tri thức, văn hóa, thành tựu khoa học công nghệ, chung tay giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho Tiểu vùng. Điều này tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển thuận lợi cho các quốc gia vừa và nhỏ tại đây.

Kịch bản 3: Có sự đan xen giữa tác động tích cực và tiêu cực do tính cạnh tranh và hợp tác tùy theo điều kiện và vụ việc trong quan hệ giữa các nước lớn tại Tiểu vùng Mekong. Đây là kịch bản có cơ sở hiện thực hơn cả, vì các nước lớn tuy có thể tạo ra một số biến động nhưng vẫn không để phá vỡ trật tự hiện hành, ít nhất là đến năm 2025. Các nguyên lý nền tảng cho trật tự thế giới như: quốc tế hóa việc giải quyết các xung đột; tư do thương mại; phụ thuộc lẫn nhau; hòa bình, hợp tác vẫn được công nhận rộng rãi. Điều này buộc các cường quốc phải điều chỉnh chiến lược nói chung, chính sách đối với Tiểu vùng Mekong nói riêng theo hướng giảm dần cực đoan để tiếp tục thích ứng tốt hơn với thế giới hiện đại.

——————————–

Chú thích:

(1) http://vnmc.gov.vn.
(2), (3) TTXVN:Tin tham khảo thế giới 28-12-2017, tr.16, 11-12.
(4) Dẫn theo “ Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần thứ 2”,Tạp chí Liêu Vọng (Trung Quốc) số 52 ngày 25-12-2017.
(5) http://www.mofahcm.gov.vn.
(6) http://nssarchive.us.
(7) http://www.rfa.org.
(8) http://www.vietnamplus.vn.
(9) http://www.laichau.gov.vn.
(10) http://cand.com.vn.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ