Đề xuất vị trí thích hợp cho mộ bà tài nhân họ Lê

Biết tin mộ cổ của vợ vua Tự Đức bị san ủi, tôi đã lên trực tiếp hiện trường. Giữa không gian rộng lớn, mộ bà Tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận đã được Hội đồng Nguyễn Phước tộc cho đắp tạm, dựng bia, che chắn, hương khói…

Khu vực phát hiện bia mộ tài nhân được che tạm bằng tôn và rào lưới thép B40. Ảnh: Tâm Huệ

Vấn đề đặt ra khi mỗi người có ý thức và thận trọng một chút thì không đến nỗi khó xử như lúc này. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng đã khảo sát, nắm danh sách hàng trăm bà vợ các vua triều Nguyễn nhưng không biết đó là lăng mộ một bà Phi. Cho đến khi tìm thấy tấm bia đá của ngôi mộ, đối chiếu với bài vị đang được thờ trong lăng Tự Đức mới xác định chính xác... Đối với Công ty CP Tư vấn đầu tư Chuỗi giá trị (chủ đầu tư dự án bãi xe) thì thiếu sâu sát, thiếu ý thức; huy động công nhân làm nhưng không chú ý mồ mả còn sót, ủi cả tấm bia đá to và tường thành khu mộ. Sau nữa là trách nhiệm của Hội đồng Nguyễn Phước tộc; các vị cũng không biết có ngôi mộ nên mới ra nông nỗi...

Qua sự việc này, những người đang sống có lỗi với tiền nhân, cần nhanh chóng tìm ra tiếng nói chung để giải quyết. Điều cốt lõi là lo cho bà Phi có được “ngôi nhà” để được yên nghỉ ngàn thu. Được biết về phía chính quyền đã có ý kiến cho di dời mộ Bà đến gần mộ bà Học Phi. Ý kiến đại diện Nguyễn Phước tộc lại muốn để Bà nằm ở vị trí cũ. Cả 2 đều có lý. Ở đây tôi xin có ý kiến từ góc độ cá nhân, lại là hàng con cháu của dòng họ Phước tộc (tự giới thiệu tôi thuộc Hệ 2 Tiền biên). Nói vậy để mọi người hiểu cho, tôi vừa là người dân, vừa là hàng con cháu với mong muốn làm cái gì đó tốt đẹp nhất.

Xây lại ngôi mộ mới cho Bà ở vị trí cũ có lẽ là mong muốn của đa số con cháu Nguyễn Phước tộc. Tuy nhiên, dự án bãi xe du lịch đã duyệt, nếu không triển khai tiếp sẽ khó khăn cho các hoạt động khác của dự án. Nếu xây lại mộ ở đây, thử hình dung sau khi bãi xe làm xong rộng 17.000m2, có một ngôi mộ cổ diện tích 40m2 nằm lọt trong mênh mông khu đất liệu có còn vẻ tôn nghiêm, khi bến xe du lịch với lưu lượng người đông, ý thức mỗi người khác nhau, chen chúc người, xe... Mặt khác, khi đưa vào hoạt động bến xe có  rào chắn, có người quản lý, con cháu đến viếng Bà có còn được thuận lợi?

Theo tôi, dời mộ Bà về gần mộ bà Học phi, có lẽ thuận lợi hơn cả. Vì trong 103 bà Phi của vua Tự Đức ít ra cũng có được phần mộ của 2 bà nằm gần nhau. Ở đây lại nằm gần quần thể lăng Tự Đức, sẽ trở thành một điểm đến tham quan chiêm bái ấn tượng, tăng thêm nét linh thiêng cho Khiêm lăng. Có thể quy hoạch 2 lăng mộ này thành một hệ thống trong quần thể lăng Tự Đức trở thành một điểm đến.

Thực tế, trong hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn cũng không ít lăng tẩm đã được di dời, lập mới. Mới đây nhất, chúng ta đã trùng tu lăng Trường Cơ của Chúa tiên Nguyễn Hoàng khi mà mộ của ông đã được di dời không phải nguyên gốc chôn ở đây. Miễn sao chúng ta trùng tu, xây dựng lại nguyên trạng, khang trang để các ngôi mộ trở thành một địa điểm thăm viếng có có ý nghĩa, để lại hậu thế một công trình (dù nhỏ).

Xin góp vài ý kiến để các cấp, những cơ quan có trách nhiệm tham khảo, hầu góp tiếng nói của một người dân, đồng thời là con cháu dòng họ với mong muốn sớm xây dựng lại mộ phần cho một bà Phi.

NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA