Đau gấp nhiều lần

Ra tòa để “khai tử” hôn nhân là nỗi đau nhiều hệ lụy không riêng với hai bên đương sự vợ-chồng. Tranh chấp tài sản sau ly hôn như vụ án dưới đây còn đau gấp nhiều lần.

Vợ cũ là nguyên đơn khởi kiện đối với bị đơn, là chồng cũ. Trước đó, họ từng là một gia đình. Đứa con trai không may bị bệnh tật. Thương con, người cha bỏ công việc ở nhà cạnh con với nghề chữa đồ điện, làm tại nhà, nên thu nhập không đáng là bao. Thu nhập từ công việc của người mẹ cũng ở mức bình thường nên cuộc sống của gia đình đạm bạc. 

Theo người vợ cũ, do đứa con bệnh tật nên vợ chồng bàn bạc nhau xin thêm một đứa con nuôi, nhưng khi chị đưa đứa bé về, người chồng lại “đá thúng đụng nia”. Mâu thuẫn vợ chồng cũng từ đây phát sinh, ngày càng căng thẳng rồi dẫn đến ly hôn. Tại phiên tòa trước đây, người mẹ không yêu cầu được trực tiếp nuôi con, mà đồng ý cấp dưỡng cho con 500 nghìn đồng mỗi tháng. Tài sản là nhà đất, quá trình giải quyết vụ án ly hôn, hai người trình bày với tòa sẽ tự “chia chác”. Thế nhưng, sau khi đã đường ai nấy đi thời gian khá lâu, hai bên không thể tự thỏa thuận. Một lần nữa, họ đưa nhau ra tòa.

Nhà đất diện tích 59 m2, được định giá 392 triệu đồng. Chồng nói đất do mình mua trước kết hôn, nên đòi chia phần hơn. Bị đơn đưa ra con số 150 triệu đồng cho vợ cũ. Vợ nói là tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, nên yêu cầu tòa chia một nửa (tức 196 triệu đồng).

Tòa hòa giải: “Con mình đang bệnh, người cha sẽ phải chăm sóc, nuôi dưỡng đến hết đời. Một nửa là 196 triệu đồng, chỉ chênh lệch nhau hơn thua 46 triệu đồng. Mình làm mẹ, coi như số tiền đó mình cho con mình đi?”. Thế nhưng, nguyên đơn vẫn khăng khăng cho rằng, đã thiệt thòi nhiều rồi, vả lại bà còn nuôi đứa con nuôi nữa.

Một lần nữa cố gắng hòa giải tại phiên tòa, nhưng vẫn không thành, hội đồng xét xử giải thích: Phiên tòa này giải quyết việc tranh chấp tài sản. Ông không đưa ra được chứng cứ chứng minh đất mua trước khi kết hôn. Tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng đứng tên chung, theo luật pháp là tài sản chung. 

Phiên tòa kết thúc sau khi hội đồng xét xử công bố bản án, quyết định chia đôi tài sản. Bị đơn nhận nhà, có nghĩa vụ “thối” tiền cho vợ cũ. Phía nguyên đơn ra về đã một lúc lâu mà bị đơn vẫn ngồi buồn bã ôm con. “Ra tòa để “khai tử” hôn nhân là nỗi đau với nhiều hệ lụy không riêng với hai bên đương sự vợ-chồng. Tranh chấp tài sản sau ly hôn như vụ án này, đau gấp nhiều lần…”- Thẩm phán thốt lên.

Theo Thừa Thiên Huế online