Chứng cứ Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam

 

Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và là thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Trung Quốc tuyệt đối không có chủ quyền ở vùng biển trên Biển Đông. 

Bãi Tư Chính hay bãi cạn Tư Chính, bãi ngầm Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía Nam Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi ngầm này nằm ở trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07029’03’’N – 07033’20’’N và kinh độ 109037’730’’E – 109054’58’’E, cách bãi Quế Đường 55 hải lý về phía Tây Nam. Điểm nhô cao nhất của bãi Tư Chính sâu cách mặt nước khoảng 16m, vị trí cách Vũng Tàu khoảng 229 hải lý về phía Đông Nam.

Bãi Tư Chính của Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược gì trên Biển Đông?

Bãi ngầm Tư Chính có vị trí rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế biển và công tác quản lý chủ quyền vùng biển trên khu vực DK1; phạm vi bãi ngầm trong khoảng độ sâu 16m đến độ sâu 200m có độ dài khoảng 57km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 13km, hướng phát triển chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.

Chung cu Bai Tu Chinh thuoc chu quyen Viet Nam, Trung Quoc dung “nhom ngo“
Nhà giàn DK1 ở thềm lực địa phía Nam. Ảnh: VOV.

Tư Chính là bãi ngầm lớn, ở cạnh đường hàng hải quốc tế, nên có vị trí rất quan trọng đối với việc tổ chức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Về việc những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK. Việc đó phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 của UNCLOS (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 80 (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa).

Việt Nam có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam đã tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi, không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

Trung Quốc tuyệt đối không có chủ quyền ở Bãi Tư Chính

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi Tư Chính cùng với các bãi cạn Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân ở Nam Biển Đông của Việt Nam là một phần của quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc ngang ngược cho là thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, lập luận này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS và đã bị bác bỏ trong phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và là thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Đây là vùng biển được hoạch định theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Vùng biển này không tranh chấp với nước nào, kể cả Trung Quốc.

Việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận.

Chung cu Bai Tu Chinh thuoc chu quyen Viet Nam, Trung Quoc dung “nhom ngo“-Hinh-2
Hoạt động phi pháp của tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc tới ngày 19/7. Ảnh: Twitter Ryan Martison. 

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982, đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó. Và Phán quyết khẳng định rằng, đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý, nói nôm na là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đường lưỡi bò. Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có Bãi Tư Chính.

Tòa Trọng tài quốc tế kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.

Thanh Bình