Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động: Ráo riết trước giờ “G”

 

24/4 tới đây là hạn cuối để tất cả thuê bao di động phải có thông tin chính xác bao gồm thông tin đối tượng sử dụng thuê bao và ảnh chụp chân dung chính chủ để chuẩn hóa thông tin theo quy định được đưa ra tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ49).

Khách hàng đến đăng ký thông tin tại cửa hàng của VinaPhone

Chủ thuê bao phàn nàn

Sát giờ “G”, tại điểm giao dịch của các nhà mạng có rất đông khách hàng đến bổ sung thông tin, chụp ảnh chân dung. Một nhân viên tại điểm giao dịch Viettel ở đường Lý Thường Kiệt cho biết: “Khách hàng bắt đầu đến rải rác từ ngày 6/4 nhưng từ 9/4, mỗi buổi, cửa hàng tiếp nhận trên 100 chủ thuê bao đến điều chỉnh, bổ sung thông tin và chụp ảnh chân dung”.

Tại các điểm giao dịch, theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh những khách hàng sẵn sàng hợp tác sau khi được nhân viên các nhà mạng giải thích hoặc “đã tìm hiểu thông tin trên báo, đài trước đó” thì vẫn có nhiều chủ thuê bao tỏ ra không mấy hài lòng và cho rằng phiền toái, không cần thiết.

Chị Phan Thị Thảo (TP. Huế) khách hàng của nhà mạng VinaPhone cho rằng: “Tại sao khi đăng ký sim đã trình CMND hay thẻ căn cước, và ở trên đó đã có chân dung, được cơ quan chức năng chứng minh rồi mà vẫn phải chụp riêng để gửi cho nhà mạng? Việc làm này theo tôi là gây rườm rà, tốn kém thời gian của người dùng lẫn nhà mạng”.

Là một thuê bao “cũ” của nhà mạng Viettel, anh Trần Văn Hòa (TP. Huế) rất bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ nhà mạng. “Năm ngoái, mình có đăng ký một sim mới cho con, bây giờ phải đến bổ sung ảnh chụp. Làm thế này phiền hà chưa nói nhưng mình lo ngại là ai sẽ đảm bảo hình ảnh của khách hàng không lọt ra ngoài?”, anh Hòa bày tỏ.

Trong khi đó, theo nhiều khách hàng, việc được “mời” lên tận cửa hàng của các nhà mạng để đăng ký làm tốn kém thời gian và hoài nghi về tính bảo mật trước những rò rỉ khắp nơi trên mạng trong thời gian qua.

Viettel Thừa Thiên Huế ra quân tiến hành đến từng hộ dân để chủ thuê bao bổ sung thông tin

Nhà mạng quyết tâm

Trong gần 1 năm qua, sau khi NĐ49 được ban hành, các nhà mạng tại Thừa Thiên Huế đều đã chủ động thực hiện việc cập nhật và hoàn thiện thông tin thuê bao trên toàn hệ thống.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Điều hành nghiệp vụ thuộc Trung tâm kinh doanh VNPT Thừa Thiên Huế cho biết: Do thuê bao trả sau đã có đầy đủ thông tin cần thiết nên đối tượng cần thực hiện công việc này chủ yếu là những thuê bao trả trước. Thời gian qua, việc tuyên truyền đã được VNPT triển khai qua nhiều “kênh”: từ thông tin trên phát thanh, truyền hình, điểm giao dịch đến mạng xã hội, fanpage... Tuy nhiên, do khách hàng chưa hiểu về NĐ49 nên việc thuyết phục sẽ mất nhiều thời gian.

“Đến thời điểm này, VNPT Thừa Thiên Huế mới có khoảng 100 ngàn khách hàng thực hiện việc chuẩn hóa thông tin theo quy định và còn gần 100 ngàn chủ thuê bao chưa thực hiện. Để hoàn thành đúng thời hạn chắc chắn là khó”, ông Hùng bày tỏ. Tuy nhiên, VNPT sẽ cố gắng thực hiện bằng cách tổ chức các điểm đăng ký thông tin thuê bao (thành phố thêm 4 điểm, huyện 2 điểm) ngoài điểm giao dịch hiện có; bổ sung thêm nhân lực, mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch (từ 6-21h hàng ngày kể cả thứ 7, chủ nhật).

Anh Hoàng Ngọc Lĩnh, Phó Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Viettel Thừa Thiên Huế cho biết: Ngoài việc tiến hành thông báo bằng tin nhắn, gọi điện đến khách hàng; phối hợp với các siêu thị điện thoại di động bổ sung thông tin cho thuê bao đang thiếu, Viettel huy động trên 150 cộng tác viên thực hiện việc đăng ký tại nhà đối với những trường hợp khách hàng không thể đến các quầy giao dịch hoặc chưa nắm thông tin. Để đẩy nhanh tiến độ, Viettel đang lên kế hoạch phối hợp với UBND các xã, phường để tổ chức các điểm đăng ký tại địa phương.

“Hiện, dữ liệu đăng ký thông tin (dữ liệu đầu vào) của khách hàng Viettel khá chính xác nên đa phần chỉ cần bổ sung ảnh chân dung. Tuy nhiên khi đi vào thực tế, vẫn có nhiều phát sinh như thời hạn CMND (quá 15 năm), sim bố mẹ mua cho con nay phải cập nhật lại... Chúng tôi sẽ cố gắng bằng cách giải thích, thuyết phục, động viên và chuẩn bị trang thiết bị sẵn sàng để thực hiện khi khách hàng đồng ý”, anh Lĩnh nói.

Tương tự Viettel và VinaPhone, nhà mạng MobiFone đưa ra các phương án để khách hàng bổ sung thông tin, như: tra cứu thông tin thuê bao bằng cách gửi tin nhắn theo cú pháp TTTB gửi 1414; khai báo thông tin qua website; triển khai cập nhật theo giai đoạn..

NĐ49 có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Theo đó, các thuê bao hòa mạng trước ngày NĐ49 có hiệu lực, chủ thuê bao phải cung cấp ảnh chụp cho doanh nghiệp (DN) viễn thông. Nếu quá hạn quy định mà chủ thuê bao không thực hiện, DN có quyền khóa một chiều sau 15 ngày gửi tin nhắn và khóa hai chiều sau 15 ngày tiếp theo. Quy định này có hiệu lực từ 24/4.