CON ĐƯỜNG NÀO CHO HUẾ ĐI LÊN?

“Tư duy” như là chìa khóa để mở ra sự thành công của nhiều đô thị ở Việt Nam, ví như Hà Nội khi có đề án mở rộng địa giới Thủ đô năm 2008 đã có nhiều sự phản đối khi người ta lo sợ dân Hà Nội phải gánh gồng thêm dân “Hà Nhì” (Hà Tây) còn thua kém về kinh tế, xã hội và “ngay giữa thủ đô mà có cả vùng dân tộc  và không có điện”,… nhưng sau 10 năm quyết tâm với tầm nhìn chiến lược, chúng ta có một Hà Nội đủ quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, sân bay, khu du lịch sinh thái và nhất là đã kéo dãn dân Thủ đô ra vùng ngoại ô, đồng thời kích cầu phát triển vùng nông thôn Hà Tây cũ về hạ tầng, cơ sở vật chất. Giờ đi lên Ba Vì đường nhựa xe chạy êm như ru. Đó là nhờ tư duy của lãnh đạo Thủ đô đã có đổi mới, quyết tâm thực hiện và nhất là có sự đồng tình ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân.

Với người dân Huế nơi luôn luôn bị gắn cho cái mác tự bao giờ “dân Huế bảo thủ” hay “lãnh đạo Huế bảo thủ”,… Tôi không cãi vì những câu nhận xét đó đã phản ánh một phần nét tính cách của người Huế gia trưởng, độc đoán của chốn kinh kì, nhưng nay đã khác người Huế cũng rất đổi mới trong suy nghĩ. Lãnh đạo Huế cũng đã “tiến bộ” tuy chưa mạnh dạn nhưng đã khá hơn trước, nhiều dự án, nhiều công trình mới được thực hiện trong thời gian gần đây đã cho thấy tư duy người Huế đã hiện đại không kém. Tuy vậy, cứ hễ Huế có dự án gì, công trình gì,… thì y như rằng sẽ có nhiều ý kiến bàn ra, bàn vào, soi mói tận chân tơ kẻ tóc,… khiến những dự án, công trình ấy lắm lúc phải dừng lại, hay dẹp bỏ ngang chừng thậm chí chết yểu trên bàn giấy. Gần đây nhất, Huế xôn xao dự án làm con đường đi bộ trên sông Hương với chất liệu lát đường bằng … gỗ lim, với cá nhân tôi và nhiều bạn bè khác hoàn toàn ủng hộ dự án này, hiện nhà thầu đang tiến hành thi công bước đầu. Lâu nay Huế luôn lấy du lịch làm ngành mũi nhọn để phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng, tuy vậy du lịch Huế vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, Huế vẫn chưa thu hút và níu khách du lịch, ít người quay lại Huế lần thứ hai vì Huế không có chỗ để chơi. Du khách đến Huế quay đi ngoảnh lại cũng chỉ được tham quan Đại Nội, các lăng tẩm vua Nguyễn, tối nghe ca Huế trên sông Hương, đi thăm các nhà rường, nhà vườn Thủy Biều, đi mua nón lá, tôm chua, mè xửng, hạt sen,… thế là hết chơi chưa tới chiều lên xe đi Đà Nẵng hay Đông Hà, Đồng Hới để chơi đêm.

Quay trở lại với con đường gỗ lim ấy, trước khi khởi công chính quyền và các cơ quan ban ngành đã có thông báo rộng rãi, tổ chức trưng bày để xin ý kiến của mọi người dân, đã có nhiều ý kiến ủng hộ và phản biện. Nhiều người tỏ ra bi quan với dự án, thậm chí gọi là “dự án điên rồ” vì người ta sợ khi mưa lũ về cuốn trôi hết cả con đường hay do thời tiết khắc nghiệt như ở Huế dễ làm công trình xuống cấp nhanh chóng,… đó toàn là lý do chính đáng. Nhưng với cả một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm cùng với những gì mà chất liệu “gỗ lim” thể hiện thì những vấn đề trên không đáng quan ngại, nếu thi công đúng quy định, đúng thiết kế thì không có điều kiện tự nhiên nào có thể tàn phá được. Lại có nhiều người trong đó có không ít văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí lên tiếng theo kiểu “gió mùa” nghĩa là khi tổ chức lấy ý kiến thì không vấn đề gì hoặc không có ý kiến nhưng khi thi công thì lại “lên tiếng” theo chiều hướng phản đối kịch liệt, tất nhiên khi đã bước vào giai đoạn thi công thì không thể dừng lại được. Trên thế giới nhiều công trình “đên rồ” đã chứng minh sự thành công của nó. Nhiều phóng viên cố “tát nước theo mưa” dùng báo chí để đưa dư luận vào chổ nghi ngờ và phản đối gay gắt. Đơn cử như viêc sử dụng vật liệu gỗ lim để lát đường mà đã có hơn chục bài báo khai thác đủ mọi khía cạnh của một khúc gỗ. Gỗ lim sở dĩ được sử dụng vì tính thẩm mỹ cao lại rắn chắc “chắc như gỗ lim” nhiều loại đá còn không bằng gỗ lim, lại không bị tác động của thời tiết như mưa gió. Cũng rất dễ để hiểu vì sao người ta chọn gỗ lim mà không chọn loại gỗ khác mà lại dày 5cm. Có bài báo lại “khai thác” nguồn gốc, xuất xứ của số gỗ lim làm vật liệu lát đường đồng thời nhà báo lại rất quan tâm đến môi trường sợ rừng bị tàn phá,…. Xin nói rằng toàn bộ số gỗ lim phục vụ công trình là lim Nam Phi tất là gỗ ngoại, khai thác ở rừng nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam mà lo “chặt phá rừng lim”. Lại có bài báo “ngây ngô” chỉ vì số gỗ lim ngoại nhập và lên giọng “lổ hở pháp lý”. Ôi đây là công trình công khai thì đường đường chính chính chở gỗ về mà sử dụng chứ có dùng gỗ lậu, gỗ giả đâu và lo bò trắng răng. Thậm chí có tay nhà báo viết về khối lượng gỗ mà còn dùng “m2” thì thật quá đáng! Mét vuông hay mét khối?

 Con đường ấy cứ phải làm, làm tới cùng, làm thật tốt để tạo điểm mới lạ, điểm nhấn thu hút khách du lịch đến ở lại Huế đồng thời khai thác có hiệu quả vẻ đẹp của sông Hương. Sẽ phải thêm nhiều công trình “mạnh dạn”, “chơi trội” như thế nữa trong tương lai Huế sẽ đi lên bằng đôi chân “du lịch”. Rõ ràng Huế đang cố “ngoi” lên để phát triển, nhưng mới “ngoi” lên đã bị chính người Huế đè đầu xuống lại với lối tư duy bảo thủ, đi đâu cũng “di tích”, nhìn đâu cũng “vướng” hay sự đố kỵ cá nhân và vì lợi ích bản thân để buộc Huế mãi mang tiếng “bảo thủ”. “Con đường nào cho Huế đi lên?” chỉ có có đường đổi mới tư duy và quyết đoán mà thôi!

HOÀNG ANH