CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỐNG PHÁ BẦU CỬ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH



Càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch, đối tượng phản động càng gia tăng tầng suất chống phá quyết liệt. Chúng tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc gây nhũng nhiễu thông tin, hoang mang dư luận nhằm chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân tộc.



Chúng xuyên tạc rằng ở Việt Nam, người dân hầu như không có tiếng nói gì trong việc sắp xếp nhân sự, nên việc ai lên, ai xuống là quyết định thuần túy theo tính toán của đảng, theo sự phân chia quyền lực, thỏa hiệp, nhượng bộ… mà ít người dân nào biết được(?!!). Rồi với giọng điệu lếu láo, xằng bậy, chúng trân tráo nói: Ở Việt Nam do Đảng lãnh đạo toàn diện, nên nhân sự từ tư pháp cho đến hành pháp, lập pháp, từ trung ương đến địa phương, cũng đều do Đảng họ quyết định bằng cách này hay cách khác, v.v... và v.v...

Thực chất những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, kiểu lập luận quy chụp, bóp méo sự thật lịch sử và tiến trình bầu cử ở nước ta nhằm đánh lừa và hướng dư luận ủng hộ cho những âm mưu chính trị thâm độc của chúng. Rõ ràng là chúng muốn Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được lãnh đạo công tác bầu cử; Đảng phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận cái gọi là "sự cạnh tranh sòng phẳng” với những đảng phái khác (?) để thúc đẩy dân chủ.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Từ những chế định được thể hiện rất rõ ràng, chặt chẽ trong Hiến pháp và các quy định của pháp luật, từ thực tiễn của lịch sử và những gì diễn ra ở Việt Nam đã và đang “bẻ gãy” những luận điệu xuyên tạc đó của các thế lực thù địch.


Bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của mỗi công dân Việt Nam. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta đã diễn ra được 14 khóa, từ khóa đầu tiên (06/01/1946) đến nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng người dân luôn chủ động, trách nhiệm, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm, bổn phận công dân đối với Tổ quốc. Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp – đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Việt Nam không hề có hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân nếu họ xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước và được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Vì vậy, việc nói nhân dân không có tiếng nói trong việc sắp xếp nhân sự của Nhà nước là hoàn toàn sai.

Việc giám sát bầu cử Quốc hội và HĐND cũng được Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch giám sát, và được Quốc hội thông qua trước khi diễn ra bầu cử. Sự lãnh đạo của Đảng luôn là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; là cơ sở để nhân dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Để bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, các cơ quan chức năng đã và đang tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cuộc bầu cử.


Đối với mỗi người dân, cần thường xuyên nêu cao cảnh giác với những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động, tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, xấu độc lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử để không bị hoang mang, bị lợi dụng vào các hoạt động sai trái./.