Bồi thường sự cố môi trường biển: Dự kiến hoàn thành trước 15/8

Thực hiện Quyết định 1880 và 309 của Thủ tướng Chính phủ về bồi thường, khắc phục vụ cố môi trường biển, đến ngày 10/8, toàn tỉnh triển khai chi trả bồi thường thiệt hại cho hơn 47.351 đối tượng với tổng kinh phí khoảng 1.017 tỷ đồng. Dự kiến, việc chi trả tiền bồi thường sẽ hoàn thành trước 15/8.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Đánh giá về quá trình triển khai bồi thường, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Cơ quan Thường trực BCĐ bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển tỉnh cho biết:

Quá trình thực hiện kê khai, xác định, thẩm định, chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển (SCMTB) đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng theo hướng dẫn, quy định của Trung ương.  Công tác chi trả tiền bồi thường đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và các địa phương ven biển nói riêng. Người dân được nhận tiền bồi thường rất phấn khởi, thể hiện sự đồng thuận cao với các chủ trương, chính sách, quy định của Chính phủ.

 Ông có thể đánh giá bước đầu việc sử dụng tiền bồi thường của người dân sau khi được chi trả?

Phần lớn người dân sau khi nhận tiền bồi thường đều sử dụng đúng mục đích. Nhiều hộ sử dụng tiền vào việc chuyển đổi nghề khai thác biển từ tầng đáy sang tầng nổi, cải hoán tàu công suất lớn hơn, sửa chữa phương tiện, thiết bị, đa dạng hóa ngành nghề. Nhiều hộ sử dụng vào mục đích kinh doanh, sửa chữa nhà cửa, khôi phục, mở rộng nghề chế biến thủy sản truyền thống. Các hộ thu mua, cấp đông hải sản sử dụng kinh phí bồi thường đầu tư thay mới, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thương lái thủy sản là một trong các đối tượng thuộc diện được chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chi trả có gì còn  hạn chế, tồn đọng? 

SCMTB lần đầu tiên xảy ra, bình diện và đối tượng bị tác động, ảnh hưởng lớn, tính chất rất phức tạp. Trong khi theo chỉ đạo của Trung ương, thời gian triển khai công tác bồi thường diễn ra gấp rút nên công tác kê khai, thống kê, tính toán, thẩm định thiệt hại để chi trả bồi thường cho người dân chưa kịp thời, đầy đủ đối tượng. Một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa cụ thể, nội dung chưa sát với thực tế gây khó khăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện chi trả tại các địa phương.

Tính đến 7 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng thủy hải sản toàn tỉnh đạt 24.355 tấn, tăng 20,06% so với năm 2016. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 19 ngàn tấn, tăng 25,5% so với năm trước (bằng 98,6% so với năm 2015), nuôi trồng đạt 5.400 tấn (tăng 37,4% so với năm 2015).

Quyết định 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng SCMTB tại 4 tỉnh bị thiệt hại” với nhiều chính sách quan trọng. Tuy nhiên, đến nay các địa phương đang rất lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, do các bộ, ngành liên quan chưa có văn bản, sự hướng dẫn cụ thể.

Được biết, quá trình triển khai công tác bồi thường thiệt hại, các địa phương, ban ngành tiếp nhận nhiều ý kiến, đơn thư khiếu nại của người dân. Vấn đề này được  giải quyết như thế nào?

Trong quá trình kê khai, chi trả tiền bồi thường thiệt hại, tất cả các đơn thư, khiếu nại từ người dân, cơ sở gửi lên đều được Sở NNPTNT tiếp nhận, xem xét, nghiên cứu kỹ các nội dung, đối chiếu với các quy định của Chính phủ, của tỉnh, sau đó có văn bản đề nghị các địa phương trả lời dứt điểm, thấu đáo cho người dân hiểu. Người dân sau khi được giải thích của các cấp có thẩm quyền về những vấn đề, trường hợp nào được bồi thường, những đối tượng nào không được bồi thường thì bà con đã yên tâm.

 Nhiều đối tượng sau khi xem xét cũng đã bổ sung vào đối tượng được bồi thường kịp thời, như ở huyện Phú Lộc, Phú Vang đã bổ sung, chi trả tiền xong cho bà con trong ngày 9/8, đây cũng là lần chi trả cuối cùng của các địa phương này. Riêng việc khiếu nại của một số hộ nuôi tôm ở huyện Phong Điền cũng được giải quyết dứt điểm vào ngày 9/8.

Hiện nay vẫn còn một số đơn thư, khiếu nại, Sở NNPTNT cùng các địa phương đang tiếp tục rà soát, thẩm định, nếu đảm bảo đúng đối tượng, quy định của Chính phủ, tỉnh thì sẽ đưa vào bồi thường trước ngày 15/8. Đối với nhưng đối tượng không được bồi thường theo quy định thì tiếp tục giải thích thấu đáo cho người dân rõ.

Hải Triều