Bán trú 100% cho học sinh tiểu học: Vẫn khó

Trong số 270 trường tiểu học trên địa bàn, chỉ có 12% các trường tổ chức bán trú cho học sinh. Nhu cầu là có thật nhưng giải quyết vấn đề này không phải ngày một, ngày hai.

Cách đây 3 năm, Trường tiểu học Cư Chánh (Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) rất khó tuyển sinh lớp 1 khi phụ huynh trên địa bàn đưa con về học ở các trường lân cận. Có năm, nhà trường chỉ tuyển được 40 em, trong khi, nhu cầu vào lớp 1 tăng gấp đôi. Nguyên nhân do trường không có bán trú, đa số phụ huynh đều là dân lao động, đi làm từ sáng đến tối mới về. Thế nên, những cô cậu học trò lớp 2 và 3 đã phải đạp xe đạp từ nhà đến trường tầm 5km quả khó khăn và nguy hiểm. Nhiều phụ huynh tâm tư, nhà trường chia sẻ âu lo khi nghĩ ra cách, các em đem cơm đi theo, hoặc cho tiền các em ở lại tự túc ăn ngoài. Điều này khiến nhiều người lo hơn khi không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn giao thông cho các em.

Bữa ăn trưa ở Trường tiểu học Cư Chánh

Thầy giáo Phan Văn Mạc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cư Chánh, nhớ lại: Ngày trước, trường không có học trò đến học, trong khi, phụ huynh lại chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để xin nhập học cho con. Cách đây hai năm, trường phối hợp với một doanh nghiệp tổ chức bán trú và có 126/301 em. Phụ huynh phấn khởi, tình trạng trái tuyến giảm hẳn. Riêng những em thuộc diện hộ nghèo đều được doanh nghiệp miễn tiền ăn.

Bán trú cho học sinh bao năm vẫn là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh. Những trường tổ chức được bán trú lại bớt đi nỗi lo khi duy trì được sỹ số, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, thuận tiện cho các trường dạy 2 buổi/ngày. Câu chuyện học trò ham chơi đến lớp muộn hoặc bố mẹ quên đón về, cho thấy, xây dựng mô hình bán trú là cần thiết. Ở lại trường, các em ăn uống điều độ, đủ chất, có thời gian để học kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm. Hơn nữa, phát triển mô hình bán trú trong trường học là yêu cầu cần thiết trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn được phụ huynh quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo đều hướng dẫn các trường tập huấn cho cô nuôi và bảo mẫu các nội dung, từ việc bảo đảm an toàn thực phẩm đến kỹ thuật lưu trữ mẩu thực phẩm, cách truy cập phần mềm dinh dưỡng để xây dựng thực đơn hàng ngày. Các trường khá nghiêm ngặt trong việc hợp đồng nguồn cung cấp thực phẩm sạch nên chưa để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Mô hình học bán trú được nhiều trường ấp ủ xin các nguồn tài trợ và xã hội hóa. Tuy nhiên, trong số gần 220 trường tiểu học trên địa bàn, chỉ có 12% trường trong năm học 2017 -2018 tổ chức bán trú. Bởi lẽ, nhiều trường không đủ cơ sở vật chất như thiếu phòng nghỉ, nhân viên phục vụ, không gian vui chơi, có phòng thư viện, phòng đọc… Thực tế, nhiều trường tổ chức bán trú theo kiểu được chăng hay chớ, tùy vào khoản kinh phí thỏa thuận với phụ huynh nên hệ thống bán trú trong trường học đều không đạt chuẩn. Thế nên, nhiều trường đã liên hệ với các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn trưa tại trường cho các em.

Mức đóng cho mỗi bữa ăn bán trú dựa trên thực đơn của trường và sự đồng thuận đóng góp của phụ huynh. Bình quân, các em đóng từ 13.000 đồng đến 17.000 đồng/em/ngày, chưa kể cộng thêm khoảng 60.000 đồng/tháng trả lương cho nhân viên phục vụ. Ở vùng nông thôn, nhiều phụ huynh không có khả năng đóng đều đặn hàng tháng với số tiền trên 300.000 đồng/tháng để con ở lại bán trú. Có trường tổ chức bán trú nhưng chỉ có khoảng 30 học sinh ở lại trưa. Chị Trần Thị Mỹ, phụ huynh có con học lớp 2 (Vinh Thanh – Phú Vang) cho biết: Khi cháu còn học mẫu giáo, tôi cho học bán trú vì cháu còn nhỏ, để ở nhà không ai chăm. Khi vào lớp 1, học xong, con có thể đạp xe về nhà ăn cơm cùng gia đình, đỡ đồng nào, hay đồng ấy. Tuy nhiên, vào mùa mưa, tôi phập phòng âu lo khi một ngày cháu đạp xe 4 vòng với đoạn đường không hề ngắn.

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, phấn đấu 15% học sinh học bán trú trong năm học 2018-2019 cũng là con số mơ ước. Mỗi trường đều có cách làm riêng, có trường xin các mạnh thường quân tài trợ gạo, trường xin thực phẩm, tận dụng nguồn rau xanh ở địa phương… hỗ trợ thêm bữa ăn cho các em đủ chất. Đặc biệt, sự đồng lòng của giáo viên trong trường khi ở lại hỗ trợ các em cũng như phụ huynh tự nguyện nấu ăn để nhà trường bớt một khoản kính phí trả lương cho cấp dưỡng. Trường nào làm tốt công tác tham mưu, có sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền sẽ dễ tập trung được nguồn từ các doanh nghiệp.

Theo Thừa Thiên Huế online