"…vẫn đập trong lòng trái tim thành phố…"

Dù trái tim các anh đã ngừng đập, thì trong lòng hàng triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh, ngọn lửa từ trái tim của các hiệp sỹ sẽ không bao giờ tắt, ngọn lửa và nhịp đập ấy sẽ trở thành nhịp đập, thành trái tim của Thành phố, khơi dậy lòng trắc ẩn, lương tri và phẩm giá của con người...

“Bỗng nhiên, anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu. Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với mọi người. Trước ánh sáng của trái tim Danko, bóng tối tan tác và run lẩy bẩy…”

…Chàng Đankô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống chết.

Đoàn người vui sướng và tràn đầy hi vọng, không để ý rằng Đankô đã chết và không thấy trái tim can đảm của anh vẫn cứ cháy bừng bừng bên cạnh xác anh. Chỉ có một người vốn tính cẩn thận nhận thấy điều đó, sợ xảy ra chuyện gì không hay, liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy. Trái tim lóe ra một tia sáng rồi tắt ngấm…

ảnh 1

Bác Hồ và các anh hùng dũng sỹ miền Nam ra Bắc năm 1965.

Chúng tôi được học “Trái tim Đankô” từ năm lớp 6, đó là một đoạn trích trong truyện ngắn Bà lão Idecghin của đại văn hào người Nga Marxim Gorki. Người anh hùng Đankô đã xé toang lồng ngực, dứt trái tim mình ra, làm ngọn đuốc sáng đưa bộ lạc thoát khỏi rừng già hiểm độc và bóng đêm tăm tối. Và anh đã hy sinh.

Trong nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết hay lịch sử mà chúng tôi được học, được đọc, những người anh hùng, dù vĩ đại và can trường đến mấy, đã có mấy ai hoàn thành được sứ mệnh một cách mỹ mãn và có hậu. Đan kô cũng vậy. Anh đã hy sinh.

Và chi tiết hết sức dữ dội và đắt giá trong câu chuyện của Marxim Gorki là chi tiết “có một người vốn tính cẩn thận nhận thấy điều đó, sợ xảy ra chuyện gì không hay, liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy. Trái tim lóe ra một tia sáng rồi tắt ngấm”. Chi tiết người giẫm tim ấy càng khẳng định sâu đậm tính bi kịch của một người anh hùng đã bị lãng quên ngay trong ngày chiến thắng.

Nhưng đó chỉ là bi kịch trong câu chuyện thần thoại về Trái tim Đankô mà thôi. Hai hiệp sỹ vừa hy sinh khi truy bắt kẻ cướp vì bình yên cho cuộc sống của nhân dân đều không phải là những người con của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố là nơi các anh sinh sống, lập nghiệp, nhưng trong lòng các anh đã đập trái tim của Thành phố như lời một sáng tác của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn.  

ảnh 2

Trái tim Danko.

Trong thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945, khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi hàng vạn người dân Hà Nội: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Sinh thời, Bác Hồ thường nói: "Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước. Ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn, v.v. trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao nǎm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn"...

"Ở miền nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi". 

Một buổi chiều nǎm 1965, Bác gặp Đoàn Anh hùng dũng sĩ miền nam, vừa thấy Bác, cả đoàn reo lên: "Bác, Bác, Bác ơi! Chúng cháu nhớ Bác quá! Đồng bào miền Nam nhớ Bác quá!" Nhìn Bác, cả đoàn đều khóc vì sung sướng, vì cảm động và vây quanh Bác như những người con đã xa lâu ngày về quây quần bên cha. Bác xúc động nói: "Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm".

Không rõ vì sao, lâu lắm rồi tôi không thấy từ Đồng bào được sử dụng. “Đồng bào” (cùng một bọc) hai tiếng thiêng liêng ấy cũng đã được Bác Hồ và Đảng ta trân trọng đặt ra trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây, để kêu gọi đồng bào hai miền Nam Bắc chung sức, chung lòng đánh thắng quân xâm lược bảo vệ đất nước.  

Ngày hôm nay, dù trái tim hai hiệp sỹ đã ngừng đập, thì trong lòng hàng triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh và người dân cả nước, ngọn lửa từ trái tim của các hiệp sỹ sẽ không bao giờ tắt, sẽ luôn rực cháy trong lòng toàn thể đồng bào, ngọn lửa và nhịp đập ấy sẽ trở thành nhịp đập, thành trái tim của Thành phố, khơi dậy lòng trắc ẩn, lương tri và niềm tin vào phẩm giá của con người... Trái tim nóng bỏng và tràn đầy tình yêu thương của các anh sẽ được nâng niu, trân trọng mãi mãi, không ai có thể và có quyền được giẫm lên, được lãng quên điều ấy.

Theo ANTĐ