'Không để các tổ chức phản động tồn tại trên đất nước ta'

Sáng 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến về tình hình an ninh trật tự để bàn về những biện pháp cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn cuộc sống nhân dân. 

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước.

 

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian gần đây, ở một số địa bàn tình hình diễn biến phức tạp, trong đó có một số vụ việc nổi cộm mà dư luận báo chí đã phản ánh như tội phạm có tổ chức, có vũ khí nóng, nhất là tội phạm ma túy, phá rừng, khai thác cát trái phép, xâm hại tình dục trẻ em, bán hàng đa cấp, tội phạm mạng… Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng sự cố môi trường biển, các thế lực thù địch trong nước kết hợp với các tổ chức phản động lưu vong tại nước ngoài gia tăng quyết liệt các hoạt động chống phá; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ...

Vì vậy, đây là cuộc họp quan trọng để đề ra các giải pháp về công tác quản lý nhà nước; vai trò của hệ thống chính trị trong công tác vận động nhân dân; công tác đấu tranh với các đối tượng đội lốt tôn giáo gây bất ổn chính trị. Vấn đề rút kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề nổi cộm theo quy định pháp luật. Đặc biệt, là công tác phối hợp xử lý, quy trình xử lý các vụ việc nổi cộm; các loại tội phạm...

Hình ảnh linh mục Đặng Hữu Nam mặc áo dài thâm, lúc cầm loa, lúc cầm micro liên tục kêu đả đảo chế độ, bất hợp tác với chính quyền khiến nhiều giáo dân mệt mỏi, bất an. Ảnh cắt từ clip.
Hình ảnh linh mục Đặng Hữu Nam cầm micro kích động, chống đối chính quyền - Ảnh cắt từ clip.

Trong 5 tháng đầu năm, tình hình an ninh trật tự nổi cộm là sự câu kết của các thế lực phản động ngoài nước với các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo. Trong đó nổi lên là 2 đối tượng Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục - liên tục có các hành vi nói xấu chế độ qua việc rao giảng trên nhà thờ; bôi nhọ lãnh đạo Đảng và nhà nước; móc nối với các đối tượng xấu tổ chức biểu tình gây bất ổn xã hội...

Nhiều địa phương đã đề xuất một số vấn đề mang tính chiến lược để sớm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Cụ thể như, phải quyết liệt xử lý các thành phần cực đoan; các cơ quan truyền thông cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đấu tranh trực diện, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngoài nước và các linh mục cực đoan; khi có các hành vi vi phạm pháp luật cần phải có các biện pháp mạnh tay, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Hữu Cầu báo cáo về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Hữu Cầu báo cáo về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn Nghệ An.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tôn giáo câu kết với các tổ chức phản động như kích động nhân dân để gây bất ổn xã hội; chống đối Đảng, nhà nước một cách công khai. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, tăng cường để vận động nhân dân thực hiện nghiêm đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước... Yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo ATGT cũng như công tác cai nghiện tại các địa phương,

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh chóng, Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức... Các thế lực thù địch không ngừng bôi nhọ, chống phá chế độ. Các đối tượng xấu lợi dụng tôn giáo, lợi dụng các vụ việc để kích động, gây bất ổn xã hội... Đồng chí nhấn mạnh, một xã hội muốn phát triển phải có tình hình an ninh trật tự, an ninh chính trị ổn định trên tinh thần thượng tôn pháp luật...

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị.

Vì thế, các địa phương cần phải huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc... Chủ động xây dựng các phương án, không để bị động, lúng túng khi xảy ra các vụ việc. Người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm đối với các vụ việc xảy ra và kéo dài. Trong quá trình xử lý phải có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương; phải rà soát các dự án, không để đối tượng xấu lợi dụng. Giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai thấu tình, đạt lý và dứt điểm; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh...

Đồng thời, rà soát đánh giá đúng thực trạng đội ngũ công chức; xử lý công khai, nghiêm minh các vụ việc vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin trong nhân dân; răn đe các đối tượng lợi đụng để gây bất ổn xã hội. Ngoài ra, Bộ Công an tăng cường củng cố lực lượng; xây dựng các phương án để xử lý các vụ việc xảy ra; Xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, theo đúng quy định của Pháp luật; Bộ Quốc phòng phối hợp để bổ sung tăng cường lực lượng, phối hợp với bộ Công an có các phương án sẵn có để ứng phó với mọi tình huống; không để bị động, bất ngờ...