ĐAN VIỆN THIÊN AN TIẾP TỤC GÂY HẤN VỚI NGƯỜI DÂN - Phần 2: ĐI TÌM NGUỒN GỐC CỦA MẢNH ĐẤT

Phần 2: ĐI TÌM NGUỒN GỐC CỦA MẢNH ĐẤT

Qua tìm hiểu chúng tôi được nhiều người dân trên địa bàn cho biết chủ nhân đầu tiên của mảnh đất trên là của vợ chồng ông Lương Ngọc Sơn và bà Phan Thị Huế, nhà ở sát ngay lô đất của ông T. Theo lời kể của ông Sơn và bà Huế, sau ngày miền Nam giải phóng, ông Sơn đi học ở Đức về hai vợ chồng ông bà được phân công công tác tại Lâm trường Tiền Phong (nay là Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong). Tại thời điểm những năm 1976 - 1977 vùng đất này còn hoang vu “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, bom đạn còn sót lại sau chiến tranh vô kể, xung quanh thưa thớt dân cư, chỉ có Đan viện Thiên An ở trên đồi, tình cảnh trên khiến nhiều người e ngại. Nhưng bởi vì thiếu thốn trong thời kỳ khó khăn chung của đất nước, hai vợ chồng ông bà đã ra sức khai hoang diện tích đất hơn 2000m2 tính từ mép đường dẫn lên Đan viện Thiên An (chính là địa điểm đất của ông T hiện nay) cho đến giáp với trụ sở Lâm trường Tiền phong để trồng khoai, sắn, rau đậu, nuôi gà, heo để làm lương thực, thực phẩm.

Vợ chồng ông Sơn, bà Huế khẳng định diện tích đất trên là do mình khai hoang.

Đến năm 1984, trên diện tích đất trên ông bà đã xây dựng 01 ngôi nhà tranh tạm, mà theo lời kể của ông Sơn là cả một sự nỗ lực vì phải chuyển vật liệu từ quê Quảng Bình vào đây để làm nhà. Cũng trong thời gian này, chính quyền địa phương đã tiến hành đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Sơn bà Huế với diện tích hơn 2000m2 , quá trình sử dụng, canh tác từ 1977 đến nay không  xảy ra tranh chấp đất đai với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Năm 1990, vợ chồng ông Sơn đã chuyển cho người bà con của mình là vợ chồng bà Quách Thị Lạc, ông Lê Hữu Nghị diện tích đất 500m2 ngay sát lối đi lên Đan viện Thiên An để đổi lấy chiếc xe gắn máy. Sau đó, phía gia đình bà Lạc đã cắt khoảng 20m2 để phục vụ việc mở rộng đường Khải Định và giao cho gia đình ông Sơn canh tác. Đến năm 2018, gia đình bà Lạc đã bán lại diện tích đất trên cho ông T.

Vị trí đất hợp pháp của người dân đang xây dựng nằm cách xa khuôn viên Đan viện Thiên An.

Như vậy, nguồn gốc của diện tích đất trên là do người dân (gia đình ông Sơn, bà Huế) khai khẩn, sử dụng và mua bán, trao đổi, được chính quyền địa phương công nhận và cấp giấy sử dụng đất hợp pháp. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết khuôn viên Đan viện Thiên An cách vị trí đất của ông T khá xa (gần 02 km, khoảnh 3, tiểu khu 153 tại tờ bản đồ số 65) hai bên đường nhựa dẫn lên Đan viện là rừng thông đặc dụng của Nhà nước do Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý, đồng thời tại khu vực xảy ra vụ việc người dân trên địa bàn xã Thủy Bằng đã sinh sống từ lâu đời, trước thời điểm thành lập Đan viện Thiên An (năm 1940) và đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Ông Sơn khẳng định “Nếu nói là đất của Đan viện Thiên An vậy thì khi chúng tôi khai khẩn, được cấp sổ đỏ, làm nhà cửa, bán đất,... sao họ (chỉ các tu sĩ) không đến phản đối, tranh chấp?”

Cũng theo ông Sơn, thời đó các linh mục, tu sĩ Đan viện Thiên An như thầy Maria, thầy Vọng, thầy Rô Manh,... còn về động viên, giúp đỡ vật chất cho các gia đình đến khai hoang.

Còn tiếp!...

Lê Phương Thảo

Phần 3: “Dân ở đây biết ơn các thầy đời trước nhiều lắm!”