CẢNH BÁO TIN XUYÊN TẠC : KHÔNG CÓ CHUYỆN “THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH MẮC 43.000, TỬ VONG 1.000 NGƯỜI” VÌ DỊCH COVID-19

Kẻ xấu đã  cố tình cắt ghép hình ảnh, âm thanh để xuyên tạc tình hình dịch bệnh covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên mạng xã hội Youtube đang phát tán một videoclip về việc đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nói rằng “…từ sáng tới giờ có tổng cộng hơn 43.000 ca, trong đó có hơn 100 ca tử vong, nâng số tử vong là hơn 1.000 ca…”. Videoclip này đang lan truyền rất nhanh trên các trang mạng xã hội với nhiều bình luận tiêu cực, nhắm vào thông tin cho rằng đây là những “thông tin thực từ TPHCM”. Nhiều tài khoản mạng xã hội đang chia sẻ, thông qua đó “gắn” vào Công văn 2285 của Sở TNMT TP (đã bị thu hồi) để cho rằng TPHCM "đang ém dịch, giấu dịch", sự thực thế nào?

Qua xem xét nội dung videoclip, chúng ta có thể nhận ra đây là đoạn videoclip được báo Tuổi Trẻ quay từ ngày 11 tháng 2 năm 2020, khi đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cùng đoàn công tác của UBND Thành phố kiểm tra bệnh viện dã chiến lập tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM ngày 11-2 để xem xét đảm bảo công tác điều trị người bệnh viêm hô hấp cấp đã xác định dương tính với nCoV. Tại buổi kiểm tra, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM có trả lời phỏng vấn báo, đài, trong đó ông có nói đến con số cập nhật về tình trang lây nhiễm virus nVov trên thế giới và số người tử vong trên thế giới tại thời điểm 11/2/2020. Ông cũng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Sở Y tế TP.HCM và Bộ Tư lệnh Thành phố trong việc hoàn thành khẩn trương bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên một số thế lực xấu đã lợi dụng videoclip này để phát tán vào thời điểm này với dụng ý xuyên tạc. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra các tài khoản có biểu hiện lan truyền videoclip trên với ý đồ xấu để xử lý nghiêm, triệt để.

Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng. Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để chung tay chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, mỗi người cần thực hiện đúng quy định, khuyến cáo của ngành y tế, đồng thời cần cảnh giác với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội!

Cao Thọ Sơn