BÁO CÁO NHÂN QUYỀN - VẪN CÁCH NHÌN PHIẾN DIỆN

“Đến hẹn lại lên”, ngày 11/3/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo nhân quyền quốc gia năm 2019”. Không quá bất ngờ khi trong bản báo cáo này, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục “điệp khúc”: Việt Nam “vi phạm nhân quyền”.​

Sự phiến diện của Bộ Ngoại giao Mỹ thể hiện ngay phần mở đầu của báo cáo khi họ chủ quan quy chụp: “Nước CHXHCN Việt Nam là một Nhà nước độc tài được cai trị bởi một đảng duy nhất…”. Tại sao một Đảng duy nhất lãnh đạo lại bị cho là độc tài?

Rõ ràng, việc lựa chọn mô hình một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo là do thực tiễn lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của từng quốc gia. Một đảng lãnh đạo chưa chắc đã là độc tài và ngược lại đa đảng cũng không đồng nghĩa với dân chủ, điều quan trọng phụ thuộc vào đường lối, chủ trương, chính sách vận hành đất nước của đảng cầm quyền? Phải chăng sự quy kết đó là xuất phát từ sự khác biệt về ý thức hệ?

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Việt Nam “hạn chế các quyền tự do gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, tự do tôn giáo”.

Dường như các “tác giả” của bản báo cáo đã không thực hiện nguyên tắc cơ bản nhất, đó là khảo sát thực tiễn tại Việt Nam. Thực tiễn Việt Nam có đầy đủ cơ sở chứng minh Việt Nam luôn đảm bảo các quyền cơ bản của công dân.

Điển hình như đối với quyền tự do báo chí, cho đến nay ở Việt Nam báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân.

Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo.

Trên lĩnh vực đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo, Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng, với 16 tôn giáo và 13,2 triệu tín đồ tôn giáo, mọi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của tín đồ, chức sắc diễn ra bình thường. Hằng năm có hàng nghìn lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Tín đồ tôn giáo hoàn toàn tự do trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được tự do trong việc thực hành các hoạt động tôn giáo theo giáo luật.

Việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc được thực hiện theo quy định của giáo hội. Các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân trong những năm qua đều có sự phát triển về số lượng cơ sở giáo hội, về tín đồ, chức sắc nhà tu hành, về việc xây dựng mới hoặc tu bổ các cơ sở thờ tự, bảo đảm kinh sách, các hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và giáo lý, giáo luật. Các chức sắc, nhà tu hành được tham gia học tập, đào tạo ở trong nước và nước ngoài hoặc tham gia các sinh hoạt tôn giáo ở nước ngoài.

Và, bàn về nhân quyền, hãy thôi nói những điều to tát, hãy nhìn vào câu chuyện Việt Nam chống dịch COVID-19 thời gian qua để thấy một Việt Nam tôn trọng và đảm bảo quyền con người như thế nào. Toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam vào cuộc chống dịch COVID-19, để đảm bảo quyền cơ bản nhất của người dân là quyền sống.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc chống dịch. Những lực lượng như Y tế, Công an, Quân đội luôn ở tuyến đầu. Hãy nhìn những anh bộ đội nhường doanh trại cho người cách ly, ra rừng dựng lán trại ăn nghỉ. Hãy nhìn đoàn cán bộ phường hàng ngày cấp phát thực phẩm cho khu cách ly Trúc Bạch, những cán bộ, chiến sĩ Công an nỗ lực tại các chốt kiểm soát cách ly, đảm bảo an ninh, trật tự.

Hãy nhìn cách Chính phủ Việt Nam bao dung, miễn phí điều trị COVID-19 cho những người mắc bệnh, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, mới thấy cái tình, cái nhân văn, vì con người của Việt Nam lớn lao đến thế nào. Dù thế giới đang quay cuồng trong “cơn bão” COVID-19 nhưng người dân Việt Nam thực sự an tâm và biết ơn một Chính phủ quan tâm lo cho dân, vì dân. Và kết quả rất tích cực, Việt Nam đến nay vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào vì COVID-19.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển, những nước được xem là “đồng minh thân cận” của Mỹ lại bị động trong vấn đề phòng, chống dịch, khiến số người nhiễm lên đến con số nghìn, số người chết lên đến con số trăm. Ngay tại nước Mỹ, đến thời điểm này, số người nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 1.000 người, 31 người tử vong.

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Hãy nhìn vào những gì Việt Nam đã và đang làm, sẽ dễ dàng cho chúng ta câu trả lời sống động. Không phải vô cớ mà Việt Nam lại được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao như vậy. Thiết nghĩ, Bộ Ngoại giao Mỹ cần có cách nhìn đầy đủ, khách quan hơn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tránh những định kiến, nhất là trong xu thế Việt Nam – Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác toàn diện, vì lợi ích nhân dân hai nước.

Thành Vinh