Cần chú ý việc đăng ký bản quyền

Đa số văn nghệ sĩ vẫn chưa có thói quen đăng ký bản quyền cho tác phẩm sáng tạo. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo các chủ thể nên chủ động trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.

Chưa quen

Tháng 3 năm nay, bức tranh “Tiếng hót trong rừng” bằng sơn dầu trên bố của họa sĩ trẻ Lê Minh Phong bị sao chép lại y nguyên và rao bán công khai trên mạng. Sau khi bị họa sĩ Lê Minh Phong cùng nhiều họa sĩ phản ứng, tác giả chép tranh đã gỡ bức tranh xuống. Họa sĩ Lê Minh Phong thở dài: “Một người bạn đã tình cờ phát hiện tranh của tôi bị sao chép. Thật buồn vì họ không làm theo luật”.

Các tác giả nên đăng ký bản quyền để bảo vệ sáng tạo của mình (Ảnh minh họa)

 

Trường hợp của họa sĩ Lê Minh Phong không phải là hi hữu. Chuyện chép tranh xảy ra khá phổ biến. Năm ngoái, một tác giả cũng đạo tranh của một họa sĩ nổi tiếng và mang đi dự triển lãm thường niên của hội mỹ thuật. Nhắc đến chuyện sao chép tranh, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế chia sẻ, hội chỉ bảo vệ quyền lợi của hội viên bằng cách lên án. Trong khi đó, khi xảy ra chuyện đạo tranh, các hội viên cũng chưa đi đến tận cùng để đưa sự việc ra pháp luật, chỉ dừng lại ở mức độ “nói với nhau”.

Điều đáng nói, giới văn nghệ sĩ vẫn chưa có thói quen đăng ký bản quyền đối với sản phẩm sáng tạo của mình. Lý do được đưa ra như họa sĩ Lê Minh Phong chia sẻ là ngại thủ tục phức tạp. Họa sĩ Lê Minh Phong cho biết, sau khi tranh của mình bị sao chép, anh đã nghĩ đến việc đăng ký bản quyền: “Đó là điều chắc chắn tôi phải làm để tự bảo vệ quyền lợi cho mình”.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cũng chưa từng đăng ký bản quyền với những “đứa con tinh thần” của mình. Ông cho biết: “Việc đăng ký bản quyền hầu như chưa được thực hiện trong giới mỹ thuật ở Huế. Mọi người vẽ chỉ đơn giản để thỏa đam mê, chưa biết tranh có bán được hay không mà tốn kinh phí đăng ký bản quyền. Hơn nữa, vì lười với những thủ tục cho việc đăng ký”.

Tự bảo vệ

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả bước đầu đã được các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp quan tâm thực hiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong việc công bố, phổ biến và sử dụng công trình, tác phẩm. Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các tổ chức thực hiện hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả, trong đó phần lớn là các chương trình nghệ thuật, kịch bản lễ hội tại các kỳ Festival Huế. Tuy vậy, số lượng tác giả đăng ký bảo hộ quyền tác giả vẫn chưa nhiều.

Ông Nguyễn Quê, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng: “Các chủ thể sáng tạo ra tác phẩm văn hóa nghệ thuật vẫn lơ là, chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Sự hiểu biết pháp luật của phần lớn người dân về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa hình thành ý tự giác thực sự trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với bản quyền tác giả, quyền liên quan trong các dịch vụ văn hóa công cộng”.

Để bảo vệ quyền tác giả, các chủ sở hữu phải có ý thức tự bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Cơ quan chức năng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật. Thực tế cho thấy ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhiều trường hợp khi có tranh chấp mới đi đăng ký bản quyền. “Dù đăng ký hay không, tác giả đều được bảo vệ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy vậy, nếu có đăng ký ngay từ đầu sẽ thuận lợi hơn khi giải quyết tranh chấp”, ông Nguyễn Quê nhấn mạnh.

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm: Tờ khai đăng ký ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn. 2 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 2 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan (đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm có kích thước quá lớn được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều). Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả; văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung…

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng.

Theo Thừa Thiên Huế online