KHI NHỮNG ANH HÙNG DÂN TỘC BỊ VẤY BẨN

Đến nghĩa trang liệt sĩ để làm cái gì? Tưởng nhớ những người anh hùng vị quốc vong thân, trân trọng lịch sử dân tộc? Hay là để tư lợi cho bản thân?

Mạng xã hội những ngày gần đây rộ lên một trào lưu là đi viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Nhưng đúng là bất cứ trào lưu nào được cư dân mạng đẩy lên cũng tồn tại những khía cạnh rất xấu xí. Không hiếm để chúng ta có thể tìm những bài viết hướng dẫn cách đi lễ chị Võ Thị Sáu cầu tài lộc làm ăn kinh doanh, rồi khi làm ăn khó khăn thất bát rồi lại quay về trách ngược lại việc cô Sáu “không thiêng”... Rồi đi viếng mộ chị Sáu thì quay lại rồi câu tương tác bẩn bằng trò “nhả vía”, nào là nhả vía đẻ con trai, nhả vía thi tốt, nhả vía trúng số, nhả vía tìm chồng giàu đẹp trai…. Các bạn còn nhớ chuyện diễn viên Hồng Đăng gặp “phốt” ở Tây Ban Nha chứ? Trước đó, diễn viên này cũng đi viếng mộ cô Sáu ở Côn Đảo và dân mạng đồn thổi rằng anh này bị chị Sáu “nghiệp quật”...

Chị Võ Thị Sáu là một anh hùng dân tộc được lịch sử Việt Nam ghi nhận. Phần mộ của chị là một nơi linh thiêng để cho chúng ta đến để bày tỏ tình yêu đất nước và lịch sử. Dĩ nhiên, việc cầu bình an và tài lộc ở một độ nào đó thì có thể hiểu và thông cảm, nhưng đề cao đến mức mê tín dị đoan thì không thể chấp nhận được.

Mộ của chị Sáu nằm trong Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ của những chiến sĩ yêu nước. Với bất cứ một người yêu thích lịch sử nào có lẽ đều biết rằng từng thớ đất ở nơi đây đều là máu, nước mắt, mồ hôi của những anh hùng dân tộc. Nhưng, có những con người không biết trân trọng những điều này.

Quy định của khu nghĩa trang là không đặt đồ lễ lên ngôi mộ để tỏ lòng thành kính và không xâm phạm đến nơi chị Sáu an nghỉ. Nhưng trên mạng xã hội, chúng ta thấy rất nhiều những bức ảnh mà mộ cô bị lấp kín bởi đồ lễ, người đi lễ còn chen lấn, cố tình bước vào trong khu mộ để sờ, đặt đồ lễ vào tận bên trong.

Có những người ăn mặc sang trọng đẹp đẽ chỉ vì muốn vào khu mộ chị Sáu sẵn sàng dẫm đạp lên những ngôi mộ của những anh hùng khác. Nhất là với những người đi lễ vào buổi tối đêm vốn là buổi đi lễ đông đúc nhất trong ngày. Nằm sát cạnh mộ chị Sáu là mộ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Năm, nhưng bao nhiêu người khi đến lễ chú ý đến ngôi mộ này? Điều đánh buồn là mộ của anh Năm thường bị người đi lễ biến thành một “cái bục để đặt đồ lễ” viếng chị Sáu, họ chất đồ lễ lên đó, khấn vái vội vã rồi bỏ đi. Nhiều khi đông đúc, mộ của anh Năm lọt thỏm giữa một núi đồ lễ, đến tấm bia trên mộ của anh cũng bị che đi mất.

Tại mỗi ngôi mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương đều có đặt bát hương, nhưng có nhiều người chỉ cắm qua loa vào ngay trên phần mộ của liệt sĩ khiến cho phần mộ nhìn rất là nham nhở và không thành tâm. Một Youtuber khi đến nơi đây ghi lại một cảnh đối nghịch rằng phần lớn người đến lễ đều chỉ đến khu mộ của chị Sáu còn lại các khu khác của Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo thì vắng tanh, ít có hương khói, gần như không được du khách quan tâm. Một tài khoản bình luận rằng: “Đúng là người Việt Nam, xung quanh chị Sáu cũng là những người đã nằm xuống vì Tổ Quốc vậy mà chẳng ai quan tâm chỉ cúng điếu mộ chị Sáu. Thật tủi thân cho những người đã nằm xuống”.

Một khía cạnh khó coi được nữa là có nhiều người cúi đầu khấn vái rồi chổng mông vào mộ phần của những liệt sĩ khác. Người thì ăn mặc thiếu vải, kẻ thì vứt rác bừa bãi…

Đó đâu phải là hành động nên làm khi đến nghĩa trang liệt sĩ? Bao nhiêu người đến để biết ơn những người đã nằm xuống cho Tổ Quốc hay là họ đến để xin những thứ xa hoa?

Và bao nhiêu người đến với mộ chị Sáu vì sự thành tâm? Bao nhiêu người dâng lễ đến chị vì sự trân trọng lịch sử và những gì chị đã làm? Bao nhiêu người biết rằng ở Nghĩa trang Hàng Dương còn những ngôi mộ của những anh hùng khác như Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, chiến sĩ biệt động Sài Gòn Lê Văn Việt, anh hùng Lưu Chí Hiếu và hàng trăm anh hùng khác?

Đau lòng thay cho những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc....