MỘT CHUYẾN ÁP GIẢI TÙ BINH ĐỘC ĐÁO

Trung tuần tháng 5-1954, được giao nhiệm vụ phụ trách 10 chiến sĩ áp giải 200 tên tù binh Pháp từ Điện Biên Phủ về vùng tự do Liên khu 4, tôi không khỏi băn khoăn lo lắng. Không phải lo quãng đường từ Điện Biên về Thọ Xuân (Thanh Hóa) dài dằng dặc, mà lo nhất là khoản không biết tiếng Pháp. 10 chiến sĩ đi cùng tôi cũng chỉ biết mỗi một câu: "Hô lê manh" (giơ tay lên) vừa quát vừa giương lê bắt sống địch.

Ngoài 200 tên tù binh Pháp, tôi còn được giao thêm 35 con trâu làm nhiệm vụ vận tải và là nguồn hậu cần dọc đường. Giong trâu thì tôi đã quen (tôi chăn trâu từ nhỏ) nhưng giong... 200 tên lính Pháp quen ngồi ô tô, máy bay hơn đi bộ thì quả là gay go. Nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ. Toàn tổ chúng tôi lên phương án, tổ nào đi trước, tổ nào đi sau, cách thức ăn ngủ trên đường… Dẫu đã bàn chi tiết nhưng vẫn nảy sinh vô số vấn đề.

Một chuyến áp giải tù binh độc đáo

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu

Ngày chúng tôi lên đường, cái nắng mùa hè bắt đầu thiêu đốt. Núi rừng Tây Bắc ban ngày ầm ầm bom đạn, bây giờ râm ran tiếng ve. Đoàn tù binh Pháp tròn mắt ngạc nhiên khi thấy đàn trâu nghênh sừng tham gia cuộc hành trình. Khi được biết đây là đàn trâu dành cho chúng, vừa để ngả thịt, vừa để chở những tên bị ốm thì chúng vỗ tay bôm bốp, xi lá xi lồ ngậu xị. Ngày thứ nhất hành quân, tôi giao cho bọn tù binh cứ 6 tên dắt một con trâu.

Chưa bao giờ trên nẻo đường kháng chiến của ta diễn ra quang cảnh kỳ lạ đến vậy: Giữa dòng tù binh lô nhô mũ rộng vành, mũ nồi, quần túi "bắt gà", những chú trâu Việt Nam đủng đỉnh gõ móng cùng tiến bước. Các cô dân công gặp chúng tôi trên đường cười ré: Các anh bộ đội ơi, cho Tây đi cày đấy à? Eo ơi, Tây mà cày thì khỏe phải biết nhá! Có cô réo tướng: Cho nhà em một cặp nào. Anh của em đi bộ đội, em đi dân công, ruộng không có ai cày bừa kia kìa!

Mới già nửa ngày đường, chúng tôi đã phải xử lý nhiều chuyện. Có tên tù binh chỉ xuống chân nhăn nhó đòi... cưỡi trâu. Có tên ôm bụng, vỗ mông bành bạch ra hiệu xin rẽ ngang vào rừng để giải quyết... vấn đề.

Sang ngày thứ hai, thứ ba, những tên lính viễn chinh trút hết vẻ hùng hổ, ngổ ngáo một thời, tên thì giả vờ ốm, tên thì cứ ngồi lỳ trên lưng trâu không chịu nhường đồng bọn. Thậm chí chúng đòi thịt trâu nhưng khi chúng tôi đồng ý, định dắt trâu đem thịt thì chúng lại lắc đầu, xua xua tay và chỉ sang con trâu của tốp khác. Một hôm, chúng tôi bị mưa ngang đường. Cơn mưa rừng mùa hạ trắng trời, trắng đất. Biết không có chỗ tránh mưa, tôi ra hiệu tiếp tục đi. Anh em ta tập trung áo mưa che cho những tên tù binh ốm nằm trên lưng trâu. Thấy hình ảnh ấy, đoàn tù binh có tên bật khóc, đặt tay trên ngực, cúi gập người "mẹc xì, mẹc xì" (cảm ơn) liên tục.

Cứ thế ròng rã hơn một tháng trời, chúng tôi áp giải đoàn tù binh Pháp về tới Thọ Xuân (Thanh Hóa) đủ 200 tên, không một tên nào rớt lại dọc đường. Riêng đàn trâu chỉ thiếu ba, còn lại 32 con. Lẽ ra số trâu này không cần phải mang về nhiều đến thế, nhưng do những tên tù binh Pháp lo ăn thịt trâu xong sẽ không có cái cưỡi, nên trâu mới còn nhiều như vậy.

Nghe tôi trình bày đồng chí trưởng trạm cười vang.

QĐND Oline