XUNG ĐỘT QUÂN SỰ NGA-UCRAINA: NHÌN THẲNG, HIỂU ĐÚNG, TRÁNH SAI LẦM

Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga triển khai tại Ucraina cùng với sự can dự của Mỹ và phương Tây đã kéo dài một năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột này đã gây xáo trộn trật tự thế giới trong quan hệ giữa các nước, các tổ chức và các định chế quốc tế. Quan điểm, lập tường và thái độ của Việt Nam về vấn đề xung đột quân sự Nga – Ucraina được đưa ra từ khi khởi phát cuộc xung đột này đến nay là nhất quán, khách quan, trách nhiệm và công bằng.

Lời cáo buộc thiếu thiện chí, phi lý, cần loại bỏ

Thế nhưng, những người thiếu thiện chí, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam; “thân phương Tây”, có xu hướng phản đối Nga “xâm lược Ucraian” và ủng hộ Ucraina đã có cách nhìn sai lệch, quan điểm và thái độ thiếu thiện chí đối với Đảng, Nhà nước ta về mối quan hệ Việt Nam – Nga; cho rằng Việt Nam “hy sinh nhiều lợi ích kinh tế với Mỹ và phương Tây” chỉ vì Nga, vì ông Putin (Tổng thống Nga) với sự kỳ vọng nối dài mối quan hệ kinh tế và quân sự với Nga; Việt Nam đã và đang đứng về phía Nga, ủng hộ Nga, ủng hộ “cuộc chiến tranh xâm lươc” của Nga đối với Ucraina; “Việt Nam không công bằng trong xử lý các mối quan hệ với Nga và Ucraina”; chỉ “ủng hộ Nga, không thân thiện, thiếu sự gắn bó với Ucraina”, “có thái độ, quan điểm chống Ucraina”. Việt Nam mắc sai lầm lớn là “gây ức chế, bức xúc cho Mỹ và phương Tây”, Việt Nam đang “bị Nga, Trung Quốc lôi kéo vào cạnh tranh với các nước lớn”; “Việt Nam tự đào hố ngăn cách với Ucraina và phương Tây”, v.v..

Thậm chí có người còn rơi vào trạng thái cực đoan, khi cáo buộc Việt Nam đang “chơi trò đu dây”, “đổ thêm dầu vào lửa” với chính sách “ngoại giao cây tre” để ủng hộ Nga xâm lược Ucraina và vu cáo “Việt Nam cùng một giuộc với Nga, tiếp sức cho Nga chống Ucraina và phương Tây” vì Việt Nam vốn có quan hệ gần gũi, thân thiết với Nga và có nhiều lợi ích căn bản gắn với lợi ích của Nga; có người còn cho rằng, “giới lãnh đạo tinh hoa của Việt Nam trước đây và hiện nay phần lớn được đào tạo ở Nga, thân Nga”, nên “làm tay sai cho Nga”, v.v.. 

Quan điểm nhất quán về hòa bình, hữu nghị

Sự thật về các luận điệu nêu trên như thế nào, đúng sai ra sao; đâu là sự xuyên tạc, đâu là sự vu cáo, cáo buộc phi lý cần vạch trần, bác bỏ, lên án? Nghiên cứu và khảo sát quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề xung đột quân sự Nga – Ucraina sẽ tường minh mọi vấn đề, nhất là thấy rõ cách nhìn nhận đầy thiện chí với tinh thần xây dựng cao; sự hài hòa giữa cái lý cái tình; tính trung thực, khách quan, trách nhiệm và công bằng của Việt Nam cũng như bản chất “cái thật – giả, đúng – sai” của các luận điệu chống phá Việt Nam được tán phát với tần suất lớn trên các trang mạng xã hội, tài liệu chống cộng.

Quan điểm, lập trường và thái độ nhất quán của Việt Nam về cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina là rất rõ ràng, hoàn toàn không mơ hồ, không úp mở; không đồng lõa với cái ác, cái xấu. Hơn ai hết, Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc để bảo vệ giá trị con người, hòa bình, độc lập dân tộc, tự do; lẽ phải, sự công bằng và ý nghĩa cuộc sống trước sự xâm lược của các thế lực thù địch.

Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ cội nguồn, bản chất, tiến trình, kết cục và tác hại của chiến tranh và xung đột quân sự; thấm thía sâu sắc các nguyên nhân sinh ra cái ác, hủy hại cái thiện; sự chà đạp thô bạo lên các giá trị nhân văn, nhân đạo; tước đoạt tính mạng, tài sản, cuộc sống yên bình của nhân dân, phá hủy thành quả cách mạng bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt và công sức của các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào xây đắp nên; biết rõ chiến tranh, xung đột vũ trang, sử dụng vũ lực, bạo lực là nguy cơ đe dọa nền hòa bình thế giới nhất thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi.

Trước sau như một, từ bản chất truyền thống nhân văn, nhân đạo và những bài học thấm đẫm máu và nước mắt về chiến tranh và xung đột vũ trang, từ thực tiễn giúp nhân dân Camphia thoát khỏi nạn diệt chủng; Việt Nam khẩn thiết kêu gọi, đòi hỏi và mong muốn tất cả các nước, dù là nước lớn hay nước nhỏ, có chế độ chính trị, xã hội khác nhau, đều phải tôn trọng và tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, chấm dứt dùng vũ lực, bạo lực để giải quyết tranh chấp, bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên. Nước Nga và Ucraina cùng các bên có liên quan nên ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc xung đột, loại trừ chiến tranh; gìn giữ, bảo vệ hòa bình khi còn có thể; không gây thêm sự mất mát, đau thương cho người dân lương thiện, vô tội; không tàn phá các giá trị văn hóa, nhân văn.

Việt Nam không chọn bên, không đứng về phía nào, cũng không “thiên vị”, “bệnh vực” bất cứ phía nào, bên nào xoay quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, ủng hộ, tán đồng, kích hoạt sự bùng nổ cuộc xung đột, chiến tranh chỉ vì lợi ích nhất thời của mình. Việt Nam không cổ suý, không khuyến khích, ủng hộ chiến tranh, xung đột dưới bất kỳ hình thức nào mà luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ hòa bình, chính nghĩa; bảo vệ cuộc sống hòa bình, những người dân lương thiện.

Việt Nam không muốn ai, bên nào phải đổ máu, hy sinh; phố phường, làng mạc, nhà máy, công xưởng, trường học, bệnh viện…, bị tàn phá; không muốn những người lính trẻ và người dân phải hy sinh… Việt Nam cực lực lên án, phản đối cuộc chiến tranh trên không gian mạng với các vệt tin, bài, video clip giả mạo, sai trái, xuyên tạc, phủ nhận thiện chí, các giá trị nhân văn, nhân đạo, sự cố gắng vì hòa bình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Bất kể là ai, thế lực nào, nếu xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận sự thật; tung tin xấu, độc trên mạng xã hội và các phương tiện khác để bôi đen, nói xấu, vu cáo Việt Nam trong quan hệ, ứng xử với Nga và Ucraina, đều phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái, phản động; sẽ phải chịu xử phạt, trừng trị nghiêm minh, đúng người, đúng tội theo luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, cũng như sự phán xử của tóa án lương tâm.

Đối với nhân dân Việt Nam, Nga và Ucraina đều là hai quốc gia “bạn bè” truyền thống, có quan hệ hữu nghị, hợp tác thân tình, hữu ái, hiệu quả với Việt Nam; đều là đối tác quan trọng của Việt Nam; không bao giờ có chuyện Việt Nam “đứng núi này trông núi nọ”, phụ bạc, phản bội bạn bè, cạn tình, hết nghĩa với đồng chí – những người đã từng “chung chiến hào”, giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, chống quân xâm lược; bảo vệ giá trị hòa bình, chính nghĩa, giúp nhân dân Việt Nam có được cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Điều đó thể hiện sự nhất quán ở lời nói và việc làm; thái độ và hành vi; quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam: Việt Nam đã và đang làm hết sức mình vì hòa bình; ưu tiên tăng cường quan hệ, hợp tác với Liên Bang Nga và duy trì, củng cố quan hệ, hợp tác lâu dài, hữu nghị, hiệu quả với Ucraina.

Lẽ phải thuộc về chúng ta

Phân tích bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và thực lực của đất nước, đặc biệt là bối cảnh cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước hiện nay. Đồng thời, thấy rõ trách nhiệm của mình trước cộng đồng quốc tế; trước nhân dân Nga và nhân dân Ucriana: Việt Nam luôn ủng hộ chính nghĩa; không muốn tạo ra sự hiểu lầm, bất đồng, “thêm thù, mất bạn”. Việt Nam không chọn bên, chọn phe, chọn bạn mà chọn chính nghĩa, gìn giữ sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc, chính sách quốc phòng “4 không”; kiên định quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, mang tính hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Việt Nam tôn trọng hòa bình và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Ai đó cố tình xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Ucraina là “tự gắp lửa bỏ vào tay mình”, là “lấy tay tự chọc vào mắt mình”; đã cố tình làm ngơ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; là xuyên tạc chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam, khi chúng ta có thiện tâm, thiện ý, thiện chí, muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không bao giờ phản bội những người bạn truyền thống, thân thiết; đối tác tin cậy của mình là Nga và Ucraina. Điều này không phải là lời nói suông, kết luận bởi “một sớm một chiều” mà được khẳng định bằng chính lịch sử truyền thống tốt đẹp, lâu dài của mối quan hệ Việt Nam – Nga – Ucraina; đã được khắc ghi trong nền văn hóa và sử sách của mỗi dân tộc.

Quan điểm, lập trường, trách nhiệm của Việt Nam đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina thể hiện qua nhiều lần phát biểu của Việt Nam tại các phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc và phát ngôn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Điều này nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, các chính khách của các quốc gia đều biết; nhân dân Việt Nam đều hiểu rõ, cớ sao chỉ vì sự bất đồng, bất mãn, bất nhất của “cái tôi”, sự “hả lòng hả dạ” của cá nhân hay sự xui khiến, tiếp tay, “chống lưng” của các thế lực xấu mà ai đó đang tâm phản bội chính mình, quay lưng lại với dân tộc! Các người suy nghĩ xem làm như thế, đối nhân xử thế như vậy có xứng đáng với tổ tiên, cha ông, đồng bào, dân tộc của mình hay không?

Cần nhắc lại cho rõ ý tứ là Việt Nam luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải gìn giữ hòa bình, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và Việt Nam luôn gương mẫu thực hiện nó vì đây là nền tảng cho luật pháp quốc tế, cơ sở, nền móng để tất cả các quốc gia, dân tộc dựa vào đó xây dựng và thực hiện các mối quan hệ, hữu nghị, hợp tác vì hòa bình, thực hiện tiến bộ xã hội. Không bao giờ Việt Nam ủng hộ việc dùng vũ lực, bạo lực để giải quyết tranh chấp. Việt Nam khuyến nghị tất các các quốc gia, dân tộc nên giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, cùng với các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Lời khuyến nghị thấu tình, đạt lý, thấm đượm tính nhân văn

Cho đến tận hôm nay, Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina và sự leo thang của cuộc xung đột này khi có sự tham gia của Mỹ và phương Tây; không muốn có “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” xảy ra.

Việt Nam mong muốn các bên kiềm chế tối đa, tiến tới ngừng bắn, chấm dứt ngay việc dùng vũ lực, bạo lực để giải quyết xung đột. Cùng với đó, các bên liên quan giảm leo thang, dừng ngay việc gây áp lực, căng thẳng cho nhau; không tiếp tế vũ khí, trang bị quân sự cho các lực lượng tham chiến, kéo dài cuộc xung đột. Hai nước Nga và Ucraina cần nối lại đối thoại, đàm phán thông qua tất cả các kênh với những đề xuất, kiến giải, sớm có được những giải pháp căn cơ, lâu dài trên cơ sở có tính đến lợi ích của tất cả các bên.

Việt Nam đề nghị cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo cho dân thường vùng chiến sự; tự mình đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng đóng góp sức mình vào quá trình thúc đẩy đối thoại, đàm phán, tìm kiếm giải pháp hòa bình tốt nhất để sớm ổn định tình hình ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng thực hiện giúp đỡ nhân đạo cho dân thường, bảo vệ trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, nhà báo, văn nghệ sĩ…và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy làm mọi việc cần thiết để bảo đảm sự bình an cho mọi công dân nước ngoài đang sinh sống tại vùng có chiến sự, trong đó có công dân Việt Nam.

Chiến tranh không phải là trò đùa. Xương máu, tính mạng của con người là tài sản quý nhất của cuộc sống. Vì vậy, bất kẻ là ai, thuộc quốc gia, dân tộc nào, đều phải tôn trọng sự thật ấy. Đùng vì thiên kiến, tham vọng cá nhân, ý muốn nhất thời mà phát ngôn sai trái, xuyên tạc sự thật có liên quan đến chiến tranh và hòa bình; cuộc xung đột giữa Nga và Ucriana; nói sai chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề “sinh tử” đặc biệt nghiêm trọng này./.