THU PHÍ KHÔNG DỪNG - HÃY DỪNG CÁC BẤT CẬP!

 

Tính đến hôm nay (12/8) đã hơn 10 ngày triển khai thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc tại Việt Nam. Cũng là chừng ấy ngày, những vấn đề bất cập nảy sinh trong câu chuyện ETC được phản ánh trên báo chí và nhiều diễn đàn trên mạng Internet. Phải khẳng định, đây là một chủ trương đúng của Chính phủ nhưng trong những ngày đầu thực thi đầy rẫy những bất cập cho thấy trách nhiệm không nhỏ của các đơn vị thu phí thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

ETC - Electronic Toll Collection - là dịch vụ thu phí tự động không dừng. Hình thức thu phí này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng bởi tính tiện ích và văn minh của nó. Tại Việt Nam, từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc đã triển khai thu phí ECT thay cho hình thức thu phí một dừng trước đây. Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Vì thế, chủ phương tiện khi đi qua làn ETC không cần dừng xe lại trả tiền mà vẫn có thể đi qua trạm thu phí.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào khai thác cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như: giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt… Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại…

Thu phí không dừng - hãy dừng các bất cập! -0
Việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm.(Ảnh: Thắng Nguyễn)

Cuối tháng 6, khi việc triển khai thí điểm thu phí ETC thí điểm tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vận hành được 20 ngày, báo cáo trước Chính phủ, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT  khẳng định, việc triển khai diễn ra tương đối thuận lợi, tình hình an ninh trật tự và ATGT tại trạm thu phí được bảo đảm, số lượng phương tiện dán thẻ tăng nhiều, nhanh. Nhưng, hai tháng sau, khi ETC được triển khai rộng rãi trên tất cả các tuyến cao tốc thì hàng loạt các bất cập nảy sinh.

Đầu tiên là việc dán thẻ. Hiện có 2 loại thẻ dùng để thu phí ETC là thẻ ETag (của Công ty thu phí tự động VECT) và thẻ ePass (của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC). Theo phản ánh của nhiều chủ xe, khi dán thẻ ETag họ mới tá hỏa rằng, trên hệ thống báo xe của họ đã từng đăng ký thẻ ePass. Có trường hợp, trên hệ thống, chỉ 1 biển số xe đã được "gắn" tới 2 loại tài khoản của hai nhà cung cấp thu phí không dừng, dẫn đến thẻ có tiền thì không trừ, thẻ không có tiền thì hệ thống lại quét. Thậm chí, có thể xảy ra hiện tượng xe nằm nhà, không lưu thông qua cao tốc nhưng tài khoản vẫn bị trừ tiền.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC cho biết, khi xe có thẻ ETag hoặc ePass có cùng màu xe, cùng biển số xe (cùng chủng loại xe, nhưng đeo biển số giả giống như biển số xe thật ở nhà) đi qua trạm, hệ thống sẽ không đọc được thẻ đó do Etag hoặc ePass là giả. Khi đó, nhân viên thu phí sẽ kiểm tra lại biển số xe trên hệ thống back-end (trung tâm dữ liệu), nếu thấy biển số xe này có đủ tiền và có thẻ trên xe, để giải quyết nhanh chóng không ùn tắc tại trạm thu phí, thì sẽ trừ offline nhưng thực chất là trừ tiền xe ở nhà.

Trong văn bản của Bộ GTVT được phát đi ngày 30/7 - một ngày trước khi ETC được triển khai trên toàn quốc cũng đã thừa nhận "việc tổ chức dán thẻ cho các phương tiện vẫn còn một số tồn tại, bất cập, chưa tạo sự thuận lợi, gây bức xúc cho người tham gia giao thông".

Tiếp theo là vấn đề tài khoản thu phí. VEC đã đặt ra quy định riêng cho các phương tiện khi lưu thông vào 4 tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý khai thác, đó là phải đảm bảo số dư tối thiểu bằng 50% phí chặng dài nhất của tuyến cao tốc. Cụ thể, với tuyến Nội Bài - Lào Cai là 150.000 đồng, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 100.000 đồng, tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 40.000 đồng và Cầu Giẽ - Ninh Bình là 35.000 đồng.

Như vậy, chủ phương tiện dù chỉ đi 10 km nhưng vẫn phải nạp tiền đủ cho cả trăm km. Quy định này vì thế đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của các chủ phương tiện bởi nếu thực hiện tức là một khoản tiền của họ đã phải "nằm chết" trong tài khoản. Bởi sự bất hợp lý này mà sau đó VEC đã phải hủy bỏ quy định kiểm soát số dư tài khoản thẻ của khách hàng. Thay vì "bắt buộc", VEC chỉ đưa ra khuyến cáo tài xế trước khi tham gia giao thông vào đường cao tốc, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện cần kiểm tra số dư trong tài khoản thu phí để đảm bảo đủ thanh toán cho chiều dài quãng đường phương tiện di chuyển.

Thu phí không dừng - hãy dừng các bất cập! -0
Hiện vẫn còn bất cập cần khắc phục trong quá trình vận hành, triển khai ETC. (Ảnh: Thắng Nguyễn)

Cũng vẫn liên quan đến tài khoản, bức xúc vẫn chưa hết. Hiện tại, khi nạp tiền vào tài khoản trả phí ETC, nhiều chủ xe đã bị mất phí. Phản ánh trên báo chí cho biết, cho dù, hai nhà cung cấp VETC (thẻ Etag) và VDTC (thẻ ePass) có một vài phương thức để nạp tiền vào tài khoản không mất phí, tuy nhiên chỉ áp dụng với kênh thanh toán bằng ví hoặc ngân hàng là đối tác của riêng hai đơn vị. Còn lại, với cả hai loại thẻ ETag và ePass nếu nạp tiền thông qua trung gian thanh toán, chủ thẻ đều phải chịu phí. Thế có nghĩa là, trên thực tế, chủ xe đã phải trả số tiền lớn hơn so với số phí cho số km cao tốc mà họ phải trả theo quy định.

Trả lời báo chí, cả hai nhà cung cấp dịch vụ ETC là VECT và VDTC đều khẳng định, họ không có chủ trương thu thêm phí nạp tiền của khách hàng mà khoản phí tăng thêm này là do các đơn vị trung gian (ngân hàng và ví điện tử) thực hiện và khuyến cáo các khách hàng hãy sử dụng một vài cách nạp tiền không mất phí.

Cách trả lời dường như "vô can" này khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện thu phí dịch vụ tin nhắn của các chủ tài khoản ngân hàng đã từng gây bức xúc dư luận trước đây. Một ngày đẹp trời, cước tin nhắn báo biến động số dư tài khoản ngân hàng chuyển từ thuê bao trọn gói (11 nghìn đồng/mỗi tháng) sang thu lẻ từng tin nhắn. Nghĩa là, chủ tài khoản càng giao dịch nhiều thì tin nhắn càng nhiều, cước tin nhắn càng lớn. Nhiều chủ tài khoản đang từ chỗ trả phí 11 nghìn đồng mỗi tháng sẽ phải trả tới hàng triệu đồng. Khi đó, ngân hàng cũng lý giải, họ chỉ thu hộ cước cho các đơn vị viễn thông mà thôi. Sau rồi, trước những phản ứng của dư luận, dù "thu hộ" thì chính sách này cũng đã phải thay đổi, trở về như cũ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng dịch vụ.

Tiếp cận theo hướng đó, chúng tôi nghĩ, các đơn vị cung cấp dịch vụ ETC không thể đứng ngoài những bức xúc của các chủ xe, đừng "vô can" theo kiểu "không thu thì không chịu trách nhiệm". Khi người sử dụng dịch vụ đang phải trả số tiền cao hơn số tiền quy định thì trước tiên nhà cung cấp dịch vụ phải có ý thức can thiệp để khách hàng của mình thuận lợi hơn, hài lòng hơn. Đó là không chỉ là lương tâm mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đặng Huyền