PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, CỦNG CỐ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Kể từ khi ra đời, Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực không ngừng để người dân được hưởng thụ đầy đủ các quyền cơ bản của con người. Công tác bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật...".

Dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được thực hiện ngày càng tốt hơn. Nước ta đã từng bước hoàn thiện khung luật pháp, chính sách liên quan đến quyền con người. Từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua đến nay, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 100 Luật, Bộ luật có liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân trong nhiều lĩnh vực từ tư pháp, hình sự, dân sự, lao động, giáo dục, y tế, tín ngưỡng - tôn giáo, tiếp cận thông tin, báo chí, với nhiều nội dung cập nhật những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm, bảo vệ tôn trọng; gắn bó quyền lợi với nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội, dân chủ với kỷ luật, kỷ cương, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, quyền con người cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng, xuyên tạc, hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mưu toan xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta lựa chọn và xây dựng. Chúng tìm cách khoét sâu những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý xã hội; những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng và công bằng xã hội để kích động, chống phá. Lợi dụng những vụ việc phức tạp nảy sinh trong việc giải quyết các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để bóp méo, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, phân biệt tôn giáo, đàn áp dân tộc, tôn giáo, quốc doanh hóa Phật giáo để kích động sự bất bình giữa các tôn giáo, kích động chức sắc tôn giáo và quần chúng tín đồ chống lại chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc Nhà nước ta ngăn cản tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bày tỏ chính kiến...

Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách về bảo đảm việc làm và quyền lợi người lao động; các chính sách về xóa bỏ bất bình đẳng, bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, nhà ở, trợ giúp pháp lý, phát triển sản xuất, dạy nghề và việc làm, ưu tiên lao động thanh niên, lao động nữ, lao động là người khuyết tật; tỷ lệ thất nghiệp giảm; thu nhập người lao động hưởng lương tăng; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội vững chắc.

 Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet của người dân được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Báo chí phát triển phong phú và đa dạng với nhiều nội dung thông tin, nhiều loại hình, dịch vụ báo chí. Tính đến nay, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 667 cơ quan tạp chí; 71 cơ sở truyền thanh, truyền hình hoạt động độc lập; 666 cơ sở phát thanh - truyền hình cấp huyện; 9.959 đài truyền thanh cấp xã (trong đó 1.757 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, 1.386 đài của xã nông thôn, miền núi), 57 nhà xuất bản. Có 253 cơ quan báo chí tham gia hoạt động thông tin đối ngoại, 59 văn phòng báo chí Việt Nam thường trú tại nước ngoài, 137 phóng viên Việt Nam thường trú tại nước ngoài, số người được cấp thẻ nhà báo là 11.958. Nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương còn xuất bản ấn phẩm phục vụ dân tộc thiểu số hay người khuyết tật, nhiều đài phát thanh - truyền hình dành chuyên kênh PT - TH bằng nhiều thứ tiếng bằng nhiều thứ tiếng của dân tộc thiểu số. Có 70 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập để cung cấp trên hệ thống truyền hình trả tiền.

Đến cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet (chiếm hơn 79% tổng dân số). Số lượng người dùng mạng xã hội khoảng 70 triệu người (tương đương với 71% dân số). Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, mạng xã hội Facebook ở Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực và Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á. Có thể khẳng định rằng, quyền tiếp cận thông tin không chỉ được bảo đảm đầy đủ cho người dân Việt Nam mà cả đối với người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng " đã góp phần phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại trao đổi với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết những bức xúc của nhân dân được thực hiện nghiêm túc hơn. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước được coi trọng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng có hiệu quả hơn. Quyền tự do lập hội của người dân được bảo vệ. Nước ta hiện có gần 70.000 hội hoạt động trên nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, nghề nghiệp, từ thiện, phi chính phủ. Hoạt động của các hội có vai trò tích cực trong việc triển khai các chương trình, chiến lược của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm đời sống của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và các nhóm dễ bị tổn thương.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cả việc đạo và việc đời. Các tổ chức tôn giáo được tạo thuận lợi trong trong sinh hoạt tôn giáo, tham gia các hoạt động nhân đạo - xã hội, hợp tác quốc tế. Nhìn chung, tình hình tôn giáo cơ bản ổn định, chức sắc và đồng bào tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động; có  27 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 28% dân số cả nước), hơn 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Hằng năm, trên cả nước có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hiện các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, 300 trường mầm non. Quan hệ quốc tế của các tôn giáo ngày càng được mở rộng. Từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng 2.000 lượt cá nhân tôn giáo xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo; gần 500 đoàn nước ngoài với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu hướng dẫn cơ sở thờ tự tại Việt Nam.

Tại các diễn đàn song phương, đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM)..., Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và đối thoại, hợp tác quốc tế về quyền con người. Cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người theo đề xuất của Việt Nam, đặc biệt là nội dung liên quan đến đảm bảo quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam là điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tỷ lệ phụ nữ nước ta biết chữ là trên 92%; hơn 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học ngày càng tăng. Trong 5 năm (2015 - 2020), số lượng nữ được phong hàm Phó Giáo sư tăng 2,6 lần; nữ được phong hàm Giáo sư tăng 1/6 lần. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%; tỷ lệ thạc sĩ nữ chiếm trên 30% và hơn 17% tiến sĩ là nữ giới. Phụ nữ nước ta chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2017, phụ nữ trong vai trò lãnh đạo ở Việt Nam chiếm 28% - khá cao so với tỷ lệ trung bình trên thế giới là 19%. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp ngày càng tăng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, với chỉ số phát triển giới (GDI) đạt mức 1,003, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn gắn kết chặt chẽ với quê hương, củng cố tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không ngừng phát triển cả về số lượng và trình độ, với khoảng 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù cư trú ở những khu vực địa lý khác nhau với hoàn cảnh khác nhau, nhưng đại đa số cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, là bộ phận "máu thịt" của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hằng năm, có khoảng 400 - 500 lượt chuyên gia, trí thức cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ ở Việt Nam. Có 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, tập trung các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản, công nghệ phần mềm... Bên cạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nhiều địa phương, kiều bào đã có nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây cầu đường dân sinh... 

Trong công tác huy động nguồn lực kiều bào, Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời định hướng mở rộng hoạt động sang hỗ trợ cộng đồng tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhiều hoạt động phong phú, thiết thực cho kiều bào đã được tổ chức, góp phần tuyên truyền về công cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo, khích lệ lòng yêu nước và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua việc tham dự các hoạt động như "Xuân Quê hương", Trại hè, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1..., những người con xa quê hương đã được tận mắt chứng kiến sự đổi thay, phát triển của quê hương, đất nước. Trong những lúc đất nước gặp khó khăn, kiều bào trên khắp thế giới đã có nhiều hành động thiết thực, "đồng cam cộng khổ" với đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Khi "Tổ quốc gọi tên mình", hàng triệu trái tim của người con đất Việt ở khắp năm châu đã cùng chung nhịp đập, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng được đặc biệt quan tâm và thực hiện theo phương châm "Bảo hộ chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả"...

Có thể khẳng định, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của đất nước ta được nâng lên một tầm cao mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội tiếp tục được phát huy. Những thành quả đất được của đất nước, nhất là sau 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, làm chúng ta càng thêm tự hào, phấn khởi, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc. Đó cũng là minh chứng để bác bỏ những luận điệu tuyên truyền, kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Thiện Linh