GIỚI TRẺ VÀ MẠNG XÃ HỘI

Không thể phủ nhận lợi ích to lớn mà mạng xã hội đã mang đến cho chúng ta: tìm kiếm thông tin duy trì cho mối quan hệ, công việc và học tập, hỗ trợ liên lạc, hình thành những mối liên kết mới và thu hẹp khoảng cách đối với những người xung quanh... Mạng xã hội chính là một sản phẩm của thời đại công nghệ, là một bước tiến lớn đưa con người sát lại với nhau. Thế nhưng các bạn trẻ ngày nay tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội mà quên đi đời thực, họ chạy trốn thực tại bằng cách “thả hồn” vào mạng xã hội.

Có không ít ngườ hiện nay “cùng ăn”, “cùng ngủ” với mạng xã hội, hay nói cách khác là … nghiên mạng xã hội. Dù là ở trên xe ô tô, ở trong quán cà phê hay thậm chí ngồi trên bàn ăn cùng cả gia đình đều song hành với chiếc điện thoại thông minh và một nền tảng mạng xã hội “sáng đèn”, nó trở thành một thói quen ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Có một số bạn trẻ "nghiện" làm đẹp trên không gian mạng, chỉ biết chăm chút vẻ bề ngoài chính mình trên trang cá nhân nhưng không hề quan tâm mình như thế nào ở bên ngoài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người càng tích cực “tô hồng” cho thế giới mạng của bản thân thì càng cô đơn ở ngoài đời thực. Các bạn trẻ xem những nút “like” hay những bình luận tương tác là “liều thuốc” chữa lành cho chính tâm hồn họ. Mạng xã hội còn sản sinh ra những “anh hùng bàn phím”, những con người tỏ ra hăm hở, nhiệt tình tranh cãi thậm chí là gay gắt, không tiếc lời mắng chửi, “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, xúc phạm nhau từ trên mạng đến ngoài đời chỉ vì thể hiện bản thân trước vấn đề nào đó.

Chính vì vậy, có thể xem mạng xã hội như một con dao hai lưỡi có thể “giết chết” một người mà không chảy máu. Chúng ta chịu nhiều tác động xấu của mạng xã hội nhưng không một ai có thể mạnh dạn đứng lên kìm hãm nó để rồi nó điều khiển chúng ta như những “con rối”. Mỗi người chúng ta cần nhận thức rõ được những tác hại xấu mà nó đem đến cho chúng ta từ tinh thần đến thể xác. Hàng giờ sống với thế giới ảo khiến chúng ta tiêu tốn thời gian một cách vô ích, đắm chìm vào những giá trị ảo chỉ làm chúng ta càng ngày càng trở nên cô độc hơn và quên mất đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống như A.Robbins nói “Phần lớn chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả cho sự thay đổi, mà ít cân nhắc về cái giá phải trả nếu không chịu thay đổi”.

Phải chăng, người trẻ mất phương hướng trong cuộc sống, sống thiếu lý tưởng, không có hoạch định cụ thể cho tương lai nên dễ sa vào những trò vui tốn thời gian, vô bổ. Lặp đi lặp lại trong một vòng tuần hoàn rồi trở thành một thói quen khó bỏ ăn sâu vào trong mỗi người. Gia đình, xã hội và nhà trường chưa thật sự chú trọng vào việc rèn luyện kĩ năng mềm hay định hướng đúng giá trị sống cho giới trẻ. Đồng thời, sự lơ là cảnh giác của phụ huynh đồng thời là sự vô tâm của bậc làm cha làm mẹ không dành nhiều thời gian cho con cái để tâm sự hay kể chuyện nên những người trẻ liên tục tìm đến mạng xã hội như một “liều thuốc” gây nghiện.

Mạng xã hội ra đời là tất yếu trước nhu cầu phát triển của nhân loại, vì vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích rất to lớn của mạng xã hội. Tận dụng những giá trị cốt lõi ấy, những người trẻ cũng đồng thời học hỏi được rất nhiều điều, họ trở thành những người có tư duy bứt phá bởi sự sáng tạo và tiếp thu kiến thức đầy mới lại trên không gian mạng, là những người trẻ đầy nhiệt huyết đầy hoài bão dám theo đuổi ước mơ, là những người trẻ dám lên án vì bình đẳng giới. Chúng ta mới chính là những người quyết định mạng xã hội sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mình.

Anh Tuệ