ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT

Vẫn còn những tồn tại trong cách thức tư duy về nội dung và ban hành nghị quyết (NQ) của tổ chức đảng các cấp, nhất là ở cơ sở; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần được thực hiện ngay từ trong khâu này.

 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Ảnh: chinhphu.vn

Thực tế cho thấy, không ít NQ của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), nhất là ở cấp chi bộ cơ sở dành dung lượng khá lớn để đánh giá tình hình thế giới, trong nước, dự báo những vấn đề rất ít liên quan đến chức năng, nhiệm vụ hoặc tính đặc thù của cơ quan. Nhiều chi bộ ra NQ một cách cầu toàn, vấn đề nào cũng đề cập, nội dung nào cũng “đá” một ít như để “thể hiện” chức năng lãnh đạo toàn diện trong từng NQ. Ở cấp đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn, chi bộ trực thuộc cơ quan nhiều khi “bê nguyên xi” hoặc lặp lại những nội dung của cấp trên nhưng không liên quan đến nhiệm vụ trong từng thời gian. Nhiều cơ quan còn “phủ sóng” những nội dung không sát với NQ chuyên đề, vượt ra ngoài đặc điểm, chức năng cần lãnh đạo. Từ đó để thấy rằng khâu chuẩn bị, xây dựng NQ đã khó khăn, người quán triệt khó xác định trọng tâm, cán bộ, đảng viên khi thực hiện lại càng lúng túng hơn nhiều.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng cấp trên đã hướng dẫn việc xây dựng, ban hành NQ cần tập trung vào đổi mới theo hướng ngày càng đi vào thực chất, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ triển khai. Thế nhưng, tinh thần đó chưa được các cấp quán triệt đầy đủ, có những NQ ngắn hạn nhưng không được sơ kết, thậm chí bị cất quên trong tủ. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, đảng viên vốn đã ngại học NQ, lại không muốn nghiên cứu kỹ chỉ vì sự ôm đồm, vượt ra ngoài nhiệm vụ thường xuyên. Đối với các NQ của Trung ương, của cấp trên thì cấp dưới chỉ cần xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch thực hiện, thế nhưng vẫn có tình trạng xây dựng thêm NQ mới. Từ đó, sinh ra tình trạng “NQ mẹ đẻ ra NQ con”, “NQ chồng lên NQ”. Vì sợ cấp trên phê bình và quan niệm thừa còn hơn thiếu nên ở mỗi cấp vẫn “bổ sung” thêm văn bản cho có vẻ “đầy đủ” hơn. Đảng viên, cán bộ nhiều khi không nhớ số ký hiệu, chưa nói đến nắm rõ nội dung để thực hiên.

Xem lại các văn bản quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp biên soạn thường thể hiện hết sức ngắn gọn, súc tích. Ví dụ như, Chánh cương vắn tắt của Đảng chỉ có 265 từ, Sách lược vắn tắt của Đảng chỉ 251 từ; Tuyên ngôn Độc lập: 1.085 từ… Tuy ngắn gọn nhưng văn bản do Người soạn thảo đều được tiếp nhận, thực hiện đầy đủ, tạo nên các phong trào mạnh mẽ trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Bởi vì Người viết bám sát mục đích cao nhất là tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, làm cho cán bộ, quần chúng hiểu và hưởng ứng tích cực. Người chỉ rõ: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích…”. Những quan điểm của Người cho đến nay vẫn nguyên giá trị trong đổi mới cách  thức ban hành NQ và văn bản của Đảng, của các tổ chức cấp ủy trong giai đoạn hiện nay.

Để NQ của Đảng các cấp đi vào cuộc sống, khâu đầu tiên là phải đổi mới cách thức xây dựng NQ. Cần đổi mới theo hướng ngắn gọn, thực chất, sát thực tế, chống “bệnh ôm đồm”, dài dòng, khó thực hiện, khó chỉ đạo, kiểm tra… nếu không muốn nói là nội dung bị dàn trải, rơi rớt, không sát thực tế. Trước hết, phải nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên trong thảo luận đề ra những nội dung, các chủ trương, giải pháp thực hiện phải đi vào trọng tâm, tránh hoa mỹ dài dòng, “gọt bỏ” những nội dung không thuộc chức năng, không phù hợp thực tế và không có khả thi. Tránh tình trạng nhiều NQ có nội dung chung chung, khi triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc, khó kiểm điểm kết quả, rút ra bài học. Tránh tình trạng có NQ nhưng không tổ chức thực hiện chu đáo, thiếu sơ kết, tổng kết.

Những vấn đề đã nêu trong NQ cần được chuẩn hóa, triển khai thống nhất, tạo bước chuyển biến thực chất ngay từ cấp cơ sở. Đây cũng là giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo NQ 28-NQ/TW (khóa 13) ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Để NQ của các tổ chức đảng được triển khai thực hiện cần đặt ra những yêu cầu mới, những vấn đề cốt lõi, đòi hỏi các cấp ủy phải thay đổi tư duy và cách thức ra NQ. Theo đó, hướng xây dựng NQ đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả, dễ triển khai, dễ kiểm điểm và rút ra bài học cho thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Văn bản cần ngắn gọn, có trọng tâm, các bước thực hiện, gắn trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên và lan tỏa được những nhiệm vụ cần thiết cho quần chúng hưởng ứng, tham gia.

Đổi mới cách xây dựng NQ của tổ chức đảng ở cơ sở không chỉ là việc cải cách hành chính mà cao hơn là để nâng cao hiệu lực lãnh đạo của mỗi TCCSĐ. Từng bước hoàn thiện về ban hành NQ của Đảng, khắc phục tình trạng NQ không sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi, điều kiện thực hiện. Mỗi tổ chức phải chủ động khắc phục hạn chế, tạo quyết tâm trong triển khai theo tinh thần: “Chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm phải 20” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ rõ.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH