ĐẠO ĐỨC BÁO CHÍ VÀ LƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI LÀM BÁO Ở ĐÂU?

Các bạn có nghĩ rằng chỉ với một bài báo, tâm lý của một người có thể bị vụn vỡ hay không?

Cách đây 2 hôm, trên báo mạng tràn ngập thông tin về một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở một miệng giếng cũ, cha của đứa trẻ là chỉ huy trưởng quân sự của một xã miền núi Hà Tĩnh. Thay vì đưa thông tin đầy đủ về sự thực vụ việc, cánh báo chí đã vội vã giật những tiêu đề như: “Bé gái bị bỏ rơi bên miệng cống và con ruột của Chỉ huy trưởng quân sự xã”, khiến dân mạng Việt Nam - những người thường chỉ đọc tít và hiếm khi chịu tìm hiểu vụ việc lên đồng, chửi bới người cha đứa bé. Trên các trang mạng như Hóng ****, Tâm sự ***, Khóc **** lại thêu dệt ra đủ thứ thuyết âm mưu như người cha ngoại tình với vợ bé không nhận con, người cha không muốn nhận con gái nên ép người mẹ phải bỏ con ngoài miệng giếng….

Rồi những bài báo hoặc bài viết mang những tiêu đề đầy quy chụp như “Có bồ nhí nên Chỉ huy trưởng quân sự xã bỏ con” xuất hiện. Và với thông tin chức vụ và địa bàn, dân mạng nhanh chóng tìm ra được thông tin bao gồm cả số điện thoại và không ít người đã gọi điện đến chửi bới, nhục mạ, xúc phạm bố bé.

Sự thực vụ việc thì thế nào? Mẹ cháu bé phải điều trị thần kinh hơn một năm nay do chấn thương dập não thái dương bên trái khi va chạm với hàng xóm. Trong trạng thái bất bình thường, người mẹ không tiết lộ cho ai về việc mang bầu cộng thêm việc mang thai cháu bé quá nhỏ (khi sinh ra chỉ 2 cân) nên gia đình cũng không phát hiện ra.

Báo chí cũng lập lờ việc chính bà nội bé là một trong những người đầu tiên phát hiện ra vụ việc và ngay lập tức bàn với gia đình và hàng xóm việc cưu mang cháu bé và báo lên chính quyền địa phương. Sau ít hôm, bà mới ngớ người ra khi biết đứa bé mà bà phát hiện lại chính là cháu của bà.

Và với một vài dòng viết lấp lửng cộng thêm sự “vào cuộc” của dân cư mạng, vụ việc biến đổi chóng mặt và từ một người cha vô tình trở thành một gã đàn ông cửa quyền, ác độc, bỏ con cái, có bồ nhí… Nếu người cha bỏ con có một ngành nghề khác, liệu báo chí có ghi đính kèm nghề nghiệp của họ vào hay không? Ví dụ như nếu có một người cha làm nhân viên truyền thông bỏ con chẳng hạn, liệu có xuất hiện bài viết: “Bé gái bị bỏ rơi bên miệng cống và con ruột của nhân viên truyền thông” hay không? Hay cứ phải thêm chút chính quyền và tý chức trách vào để tăng traffic cho bài viết? Để dân mạng rủa sả mặc sức đúng sai?

Từ hôm những thông tin về gia đình anh tràn ngập trên báo chí, người cha không thể ngủ nổi, anh uất hận và buồn bã về sự oan ức mà anh gặp phải. Người cha ấy có lỗi không? Anh dám nhận là có vì không dám khẳng định chắc chắn là vợ mang bầu và không sát sao. Nhưng với một gia đình có 6 miệng ăn và bản thân là lao động chính, đó là một cái tội đáng được nhìn nhận khách quan. Ngoài người cha ra thì các con của anh cũng bị ảnh hưởng, những lời đồn thổi vô căn cứ đến tai các con của anh, có đứa mới chỉ học lớp 4. Nếu là một đứa trẻ, nghe những tin đồn như “bố mày bỏ rơi em út của mày” thì sẽ thế nào?

Sau mỗi bài báo, không chỉ đơn thuần là một vài thông tin. Sau mỗi bài báo có thể là cả một con người, cả một gia đình và những số phận. Thật may rằng chúng ta còn có những nhà báo có tâm, đã đưa tin trung thực, đầy đủ và khách quan về sự việc này đến với công chúng. Nhưng còn rất nhiều nhà báo khác, sẵn sàng dùng ngòi bút để "đâm toạc sự thật".

Phía sau sự bi kịch, là thân phận con người!