XEM NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY NHƯ BỆNH NHÂN LÀ KHÔNG PHÙ HỢP

Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng tăng lên nhanh chóng và thực tế đã đặt ra vấn đề cấp bách cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cần sớm quy định hành vi sử dụng trái phép ma túy là tội phạm (ảnh minh họa)

Những con số báo động

Theo thống kê của Bộ Công an, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm qua ngày càng tăng nhanh, năm 2009 cả nước có hơn 146.730 người nghiện có hồ sơ quản lý thì đến tháng 12/2019 con số này đã hơn 235.310 người (tăng 60%). Điều đáng nói, tình hình hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp, đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới với hình thức sử dụng phong phú, đa dạng như từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần). Việc sử dụng ma túy ngày càng có hướng “công khai”, sử dụng đông người tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như khách sạn, quán bar, vũ trường, nhà hàng, nơi công cộng với nhiều người sử dụng cùng một lúc và có xu hướng trẻ hóa.

Theo thống kê của Cục C04 - Bộ Công an, năm 2019, lực lượng Công an đã xử lý hành chính 13.868 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại các tụ điểm nhạy cảm, trong đó độ tuổi dưới 18 tuổi chiếm 4%, từ đủ 18 tuổi đến 35 tuổi chiếm 85% và từ 35 tuổi trở lên chiếm 11%. Cũng theo C04, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 số vụ vi phạm pháp luật về ma túy và số đối tượng bị phát hiện, bắtgiữ hơn 11.200 vụ, tăng 9,46% số vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian qua, đa số vụ án hình sự nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đều có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng ma túy, điển hình là vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại Điện Biên, các đối tượng đều là người nghiện ma túy, mới đây nhất vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng bị cướp, giết cũng do hung thủ là người nghiện ma túy…

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trong các trại giam có hơn 50% phạm nhân là đối tượng có liên quan đến ma túy. Trên địa bàn cả nước không hiếm thông tin về các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, tự tử, giết người đều có nguyên nhân từ việc sử dụng chất ma túy trái phép. Nghiêm trọng hơn, đã có những vụ án thương tâm, trở thành bi kịch của gia đình chỉ vì con nghiện “phê” ma túy không có khả năng nhận thức về pháp luật, đạo đức, mất lý trí. Có thể khẳng định “ma túy là tội phạm của mọi tội phạm”.

Phải quy định hành vi sử dụng trái phép ma túy là tội phạm

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng người sử dụng chất ma túy trong thời gian qua là do thay đổi quan điểm về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là từ khi Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 qua thực tiễn thi hành đến nay đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, chưa phù hợp với tình hình hiện nay và tương lai, tạo nhiều “kẽ hở” để các đối tượng vi phạm lợi dụng để “lách luật”, đối phó với cơ quan chức năng, các chế tài không có sự răn đe dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Quan trọng hơn diễn ra tình trạng quần chúng bức xúc, mất niềm tin với cơ quan chức năng khi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi gây nguy hại đến an ninh, trật tự cho cộng đồng nhưng không có chế tài xử lý tương xứng.

Việc xem người nghiện ma túy là bệnh nhân là không phù hợp với bản chất và thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống ma túy, bởi theo người viết, việc họ sử dụng trái phép chất ma túy dù chủ động hay bị động đều hoàn toàn là hành vi sai trái, hành vi đó không thuộc những nội dung “được phép” sử dụng chất ma túy do Nhà nước quy định tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008. Nếu xem người nghiện ma túy là bệnh nhân sẽ tạo điều kiện để gia tăng tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy với nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng, khó kiểm soát tình hình thậm chí là công khai sử dụng chất ma túy dưới hình thức “chữa bệnh”, đồng thời kéo theo việc gia tăng số lượng người tái nghiện và nghiện mới.

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, bên cạnh việc đẩy mạnh phòng chống hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cần phải quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ có thể truy tố hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị định 36 “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.

Việc có các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy còn góp phần hạn chế và ngăn chặn hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, giải quyết phần gốc rễ vấn đề khi “cầu” ít đi thì “cung” buộc phải thu hẹp.

Thừa Thiên Huế online